Câu hỏi của phụ huynh:
“Làm thế nào để giải quyết khủng hoảng tuổi lên 4?”
=====
Life Mentor xin trả lời:
Chúc mừng gia đình đã có con bước vào độ tuổi nhiều biến cố. Tuổi thần tiên đã qua.
Các bạn từ 3-4 tuổi trở lên bắt đầu định vị bản thân mình so với thế giới. Các con bắt đầu so sánh, đặt câu hỏi về bản thân, và đòi hỏi cách đối xử của người khác với mình. Đây là hiện tượng bình thường. Vì thế cha mẹ từ nay sẽ liên tục đối mặt với những cơn sóng tình cảm thất thường. Và hiện tượng này còn kéo dài đến tận 20 tuổi cơ.
Chuyện con đòi hỏi bố mẹ chỉ nuôi mình, mà không nuôi anh có thể đến từ hàng trăm nguyên nhân, ví dụ:
- Bà hàng xóm nói kháy
- Bạn bè cùng lớp hỏi han công kích
- Người nào đó trong gia đình thúc giục là về bảo bố mẹ đẻ em nữa đi
- Cô giáo vô tình nói câu gì đó…
Có hàng trăm lý do làm ngòi nổ. Rất nhiều người cố gắng đi tìm nguyên nhân xem ai xúi bẩy rồi xử lý thằng kia. Nhưng điều đó không quan trọng bằng việc con tự xử lý tư duy và cảm xúc của con.
Các bước quan trọng cần làm là:
1. Về phe với con, hiểu tâm trạng con, đứng cùng chiến tuyến với con
- Vậy là con muốn bố mẹ chỉ nuôi con à?
- Vậy con không thích bố mẹ nuôi anh à?
- Mẹ hiểu rồi, con không muốn có em bé nữa đúng không?
- À, vậy là con muốn bố mẹ chú ý và quan tâm chỉ một mình con thôi?
Bố mẹ chỉ nói và thể hiện là mình hiểu suy nghĩ của con, chấp nhận ý kiến của con, mặc dù trong đầu mình có hàng chục lý do để phản đối, nhưng mình không nói ra.
2. Thủ thỉ hỏi con về nguyên nhân.
Mà hỏi một lần con chưa nói ngay đâu, đôi khi nó nói vòng vo quẩn quanh. Hôm nay mình chưa hỏi được kỹ lưỡng, thì hôm sau lại lôi ra hỏi. Mỗi hôm cạy cạy ra nói một tí.
Ví dụ bạn Vi nhà mình một hôm vô tình nói ra “Con thỉnh thoảng cũng bị bắt nạt”. Mẹ hỏi luôn “Vậy à, ai bắt nạt con vậy?” Nhưng con cứ nói lung tung, không cụ thể. Lúc thì lại bảo thỉnh thoảng một chút xíu xíu thôi. Lúc thì lại bảo con nghĩ là có người không thích con. Đến cả tuần vẫn chưa tìm ra sự việc cụ thể. Nhưng cứ mỗi hôm mẹ lại thủ thỉ:
- Hôm trước Vi bảo là Vi bị bắt nạt à. Con bị bắt nạt ở đâu?
- Con hiểu bắt nạt là như thế nào?
- Mẹ rất quan tâm và lo cho Vy. Mẹ không muốn ai bắt nạt Vi cả. Vi có thể kể cho mẹ mọi chuyện xảy ra nhé..
Cứ lê thê cả tuần như thế mỗi lúc rảnh rảnh phù hợp lại dở vấn đề ra để thủ thì nói với con.
Tương tự với tình huống bé nhà bạn. Có thể hỏi lần đầu bạn ý chưa nói ra đâu, hoặc bạn ý nói lộn xộn lung tung. Nhưng mình liên tục lôi câu chuyện ra để dụ và hỏi.
3. Có khi cuối cùng nguyên nhân lại là:
Dạo này còn hay phải ở một mình, con buồn, con nhớ mẹ, con cần sự chú ý của mẹ. Chứ chẳng liên quan gì đến việc để em bé, hay là anh lớn cả.
4. Hiểu đúng nguyên nhân, hiểu tâm lí của con thì rất dễ giải quyết.
Khi đó chỉ cần cho con thêm sự chú ý, sự quan tâm, chứ không phải giải quyết chuyện cô giáo, chuyện nuôi anh lớn, hay chuyện có em bé nữa.
5. Tuyệt đối không phản đối, giảng đạo đức cho con trong lúc con bức xúc.
Dù trong đầu mẹ có rất nhiều lời giải thích, lý lẽ để phản đối suy nghĩ của con, nhưng ngay trong lúc con bức xúc, thì không nên nói ra. Nó sẽ tạo nên hàng rào giao tiếp với con. Con vừa bảo “mẹ chỉ được nuôi con thôi, không được nuôi anh” là mình đã muốn phản đối ý kiến của con ngay rồi. Cũng không cần giải thích đủ lý do vì sao mẹ phải nuôi cả con và cả anh. Không cần phải yêu cầu con chia sẻ tình cảm, thấu hiểu cho cha mẹ…. Thế là con đứng một mình một phe rồi. Không có ai trò chuyện để hiểu tâm trạng của con rồi.
Khi cho con đầy đủ tình cảm, tự nhiên con sẽ thấy an toàn, cư xử “ngoan” hơn hẳn, bớt hẳn cáu nhặng xị.
6. Hướng dẫn cho con cách nói ra suy nghĩ của mình
Trẻ con cần được hướng dẫn nói ra mạch lạc suy nghĩ của mình, chứ không để người khác đoán. Thế hệ chúng ta đã quá khổ sở về việc phải đoán ý người khác rồi, uốn éo mà sống rồi. Trong khi chỉ đơn giản là nói ra lịch sự điều mình mong muốn thì ít ai được dạy. Vì thế, chúng ta có thể dạy điều đó cho con.
“Vậy nếu con muốn mẹ quan tâm hơn đến con, con chỉ cần nói “Mẹ ơi, con cần mẹ chú ý đến con, mẹ quan tâm đến con. Con cần mẹ thương con, dành thời gian với con nhiều hơn.”
Như thế, sống dễ ơi là dễ.
======
Life Mentor - Tư vấn giáo dục từ nền tảng gia đình