Bởi thế giới đa chiều ngày nay, đã chứng minh cho chúng ta thấy, thực tế cuộc sống, công việc mà chúng ta đang làm, yêu cầu phải LIÊN MÔN. Mình xin kể một vài câu chuyện hầu các bạn nhé.
CHUYỆN THỨ NHẤT
Mình đã có cơ hội làm quen với một Giám tuyển (còn gọi là curator). Đây là người trực tiếp phụ trách việc sưu tập, giám định, phục chế, bảo quản, trưng bày, tổ chức triển lãm cho các bảo tàng hoặc nhà trưng bày nghệ thuật. Họ cũng là người kết nối tác giả, tác phẩm, điều tra, nghiên cứu, diễn giải về các vấn đề nghệ thuật, thị trường cho các cấp độ quản lý, nhà đầu tư, nhà sưu tập. Ngoài ra, họ còn là cầu nối làm việc với các đồng nghiệp trong các lĩnh vực như bảo tồn, giáo dục, thiết kế, tài chính, tiếp thị, bảo hiểm.
Anh xuất thân từ hoạ sĩ, nhưng sau đó mở rộng tri thức của mình ra nhiều lĩnh vực khác như nghiên cứu lịch sử, địa lý, văn hoá, kiến trúc, rồi mở rộng đến cả những lĩnh vực tưởng như rất xa là tài chính, kinh doanh, hình học, vật lý… Để thành công trong một lĩnh vực, người ta cần kiến thức tổng hợp từ nhiều môn chính + phụ khác nhau.
CHUYỆN THỨ HAI
Trường hợp này chúng ta sẽ thấy phổ biến hơn. Mình có một anh bạn học CNTT trường Bách Khoa. Thuần tuý là dân kỹ thuật. Sau một vài năm làm kỹ thuật, anh chuyển sang làm bán hàng kỹ thuật, rồi học thêm về Marketing, truyền thông, đầu tư. Và hiện nay trở thành giám đốc của một công ty quốc tế tại Việt Nam. Giờ anh lại là người am hiểu sâu về mỹ thuật, lịch sử, văn hoá…chắc là cũng để tiếp khách quốc tế, giao lưu với các đối tác nữa.
CHUYỆN THỨ BA
Bản thân mình học khối D ngành kinh doanh, theo nghiệp PR, Marketing, truyền thông. Nhưng khi đi làm, có tỉ thứ mà mình phải học để phục vụ công việc, mà toàn những môn ở các “khối khác” . Có lúc là môn vật lý (học chụp ảnh để dùng trong truyền thông, tưởng được học nghệ thuật, ai ngờ 1 nửa là khẩu độ, tốc độ, tiêu cự, góc ánh sáng…u hết cả đầu); có lúc lại là môn toán (kế toán, thuế má, tính chi phí, lợi nhuận, báo cáo chạy ads, thông tin thị trường…); còn văn, sử, địa, nghệ thuật thì chắc chắn phải học và cày thêm rất nhiều rồi, có ai làm truyền thông mà dám mù tịt những thứ này đâu chứ. 100% các bạn làm truyền thông chắc đều phải biết phối màu, thiết kế, hoặc ít nhất là nhận xét xấu đẹp trong các thiết kế.
Hệ thống giáo dục phân ban, chia khối thi ở bậc Trung học là để chúng ta vượt qua kì thi, chọn ngành hướng nghiệp trong một giai đoạn ngắn mà thôi. Đến khi chúng ta đi làm, bước ra cuộc sống, chúng ta lại phải bổ sung kiến thức gần như đầy đủ các môn mà giáo dục phổ thông đã giới thiệu với chúng ta.
Hiện nay, cách tiếp cận ở nhiều trường quốc tế khá hay. Cả 1 tuần xoay quanh 1 chủ đề, ví dụ “đại dương”. Thì tất cả các môn đều tập trung vào chủ đề đó để thảo luận (Môn sinh học nói về các loài động vật đại dương, môn Toán sẽ đếm, cộng trừ nhân chia số lượng các con vật, môn ngôn ngữ gồm các bài đọc, làm văn về chủ đề đại dương, môn STEM làm thí nghiệm xây dựng một “bể cá”…). Mọi môn học của trẻ đều tập trung vào một chủ đề và có sự liên kết với nhau chứ không rời rạc, mạnh môn nào học môn đó.
Ở Việt Nam từ năm 2017, trên trang web của Bộ GDĐT đã có series bài viết “gỡ rối” cho dạy tích hợp, liên môn. Tuy nhiên, cho đến hôm nay, các bài báo về giáo dục đều cho thấy ngay cả giáo viên cũng lúng túng khi áp dụng và thiếu khả năng phối hợp các môn với nhau.
Hành trình còn dài, độ trễ của hệ thống giáo dục so với thực tế công việc, cuộc sống phải đến 10-20 năm. Nên trong lúc đợi Bộ có những bước đi phù hợp, phụ huynh nhà mình sẽ phải tự thân vận động, chuẩn bị cho tụi trẻ con Gen Alpha trước một thế giới VUCA khó lường. Bằng cách học LIÊN MÔN đa dạng nhé. Thế giới đã khác so với chúng ta ngày xưa lắm rồi.
—
“Life Mentor – Cha mẹ dẫn lối” là cộng đồng hỗ trợ các cha mẹ có con độ tuổi 10-18 trong hành trình giáo dục con, với các hoạt động chính:
- Kết nối 1-1 với các Mentor thành công trong đa dạng lĩnh vực.
- Định hướng sự nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm đa dạng các ngành nghề trong xã hội.
- Giúp con xây dựng tư duy, kỹ năng xã hội và các bài học về quản trị cuộc sống chưa được dạy trong nhà trường.
Chúng tôi xây dựng dự án Life Mentor để lưu giữ lại những tri thức mà chúng tôi học được từ nhiều nguồn trên thế giới, như một di sản để lại cho các con mình, và nhiều trẻ em Việt Nam.
Life Mentor mong muốn mọi trẻ em đều được thấu hiểu, tôn trọng, định hướng phát triển tiềm năng và sự nghiệp theo đúng năng lực và đam mê. Đội ngũ Mentor sẽ đồng hành trong quá trình phát triển của mỗi bạn nhỏ. Hãy cùng chúng tôi chung tay nhé.
Liên hệ công việc: lifementor2021@gmail.com
Website: https://lifementor.vn
Group FB: https://www.facebook.com/groups/lifementor2021
Spotify: https://spoti.fi/3zXawQT