Mình vừa đọc được bài viết vạn likes.
Tóm tắt thế này:
- Con không chịu đi học
- Mẹ nói không nghe. Người tư vấn bảo cho con đi lao động cho biết khổ.
- Mẹ nghe theo, đưa con ra quán cơm, lau dọn, rửa bát, đến trưa được bác chủ quán cho ăn.
- Con hết hồn, khóc lóc, sợ quá đòi về và đi học.
- Mẹ rất vui vì thắng lợi, con rất sợ. Và vạn người ủng hộ.
Hết chuyện.
Không ngạc nhiên là phương án này được vạn likes. Vì xưa nay cách làm của các cha mẹ là trừng phạt. Tưởng rằng mình không mắng chửi đánh con là không bạo hành?
Đây là quan điểm của mình:
- Trẻ con cần được dạy về lao động, tạo ra giá trị, hiểu biết về đồng tiền.
- Vì thế lao động phải được tôn vinh. Lao động phải là một “dụng cụ học tập” quý giá, cần được sử dụng cẩn thận.
- Không dùng lao động để trừng phạt hay doạ.
- Bạn muốn con bạn yêu lao động trong suốt 80 năm cuộc đời còn lại không?
- Bạn muốn con bạn lao động vì muốn chăm sóc, yêu thương gia đình, vì thấy bản thân mình sống ý nghĩa không?
- Nếu có, đừng dùng lao động như một hình phạt.
- Xong các bạn lại nghĩ, nó sợ lao động chân tay cũng ok. Chỉ cần nó học giỏi để yêu lao động trí óc là được?
Trẻ con trong câu chuyện trên sẽ có thể hiểu thông điệp của mẹ là: đi học sướng hơn, lao động khổ quá, mình không muốn lao động. Muốn trốn tránh lao động thì hãy học, học mệt quá giả vờ học cũng được.
Nâng cao quan điểm thì: sau này lớn lên ngại lao động, đi làm sợ phát khiếp, sếp giao việc thì im im lủi lủi, đừng động đến mình, mình ngại việc lắm. Đặc biệt lập gia đình rồi thì đầy việc nhà phải động tay đến, nhưng mình ghét lao động, bị doạ từ bé mà, kiếm cớ đẩy cho người kia làm cho xong.