Khi con đi học làm mất quá nhiều đồ dùng học tập thì nên nói gì?

Khi con đi học làm mất quá nhiều đồ dùng học tập thì nên nói gì?

Câu hỏi của phụ huynh:

“Khi con đi học làm mất quá nhiều đồ dùng học tập thì nên nói gì?”

=====

Life Mentor xin trả lời:

 

1. Có một câu thần chú chị có thể liên tục nói với con: “Con không cần nhớ hết mọi thứ, con chỉ cần nhớ làm một việc là QUAY LẠI NHÌN”

 

2. Có nghĩa là khi rời khỏi một chỗ nào đó, con chỉ cần quay lại nhìn. Con sẽ nhìn thấy mình quên chai nước, quên tẩy, quên bút…

 

3. Mỗi lần đi đâu với con, chị làm mẫu, và giải thích cho con. Ví dụ, khi đi ăn nhà hàng, trước khi ra khỏi, chị quay lại nhìn, kiểm tra kỹ. Sau đó giải thích với con “Mẹ cũng đôi khi quên một số thứ, nên mẹ luôn quay lại nhìn xem có quên gì không.” Cần phải làm hành động này rõ ràng cho con thấy từng bước. Thậm chí giả vở đi ra phía cửa khoảng 5 mét, rồi dắt tay con quay lại, và nói “Mẹ nghĩ có thể mẹ quên gì đó, mẹ quay lại nhìn, kiểm tra xem quên gì không, con đi cùng mẹ và tìm giúp mẹ nhé.” Làm thật nhiều đến khi thành thói quen.

 

4. Đôi khi chị có thể cố tình quên cái mũ, quên cái áo, để con thấy trực quan rằng quên một đồ vật, chỉ cần QUAY LẠI NHÌN là sẽ tìm ra. Ngay cả tại nhà, tại xe của nhà mình (nghĩa là nguy cơ mất là không có), cũng thực hành quay lại nhìn.

 

5. Từ đó, con sẽ thấy con để quên áo len, quên cái cặp, quên cái túi, quên quyển vở…ở khắp mọi nơi. Hãy tránh nói “con thấy chưa?”, “mẹ đã nói rồi mà…”. Chỉ tập trung vào đúng một việc, là QUAY LẠI NHÌN và MAY QUÁ MÌNH ĐÃ KHÔNG MẤT.

 

6. Với trẻ nhỏ, đôi khi trẻ chỉ cần được hướng dẫn cách thức làm việc gì đó, vì chưa có khả năng đúc kết quy luật, hoặc chưa biết bí kíp đó. Đột nhiên sau khi được hướng dẫn, mọi thứ trở nên đơn giản biết bao nhiêu. Hãy dạy con một bài học đơn giản đó và cuộc sống của mọi người sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.

 

7. Nếu con còn không nhớ đồ vật nào của mình, lẫn lộn với đồ vật của bạn. Hãy mua các sticker, hướng dẫn con dán vào mọi đồ vật của con. Khi thất lạc, khi kiểm tra, con sẽ nhận ra đó là đồ vật của mình.

 

8. Củng cố hành vi tốt của con bằng cách khen ngợi: “Mẹ rất vui vì hôm nay con đã mang hết đồ dùng của con về nhà, đã không quên món gì.” “Mẹ rất thích cách con giữ gìn đồ đạc cẩn thận và không để mất đồ”, “Con đang thực sự trưởng thành rồi đấy, con đã nhớ mang đồ dùng của con đầy đủ về nhà.”

 

9. Nếu con không tiến bộ, vẫn duy trì các hình thức tương tác tích cực bên trên, nhưng vẫn để hậu quả tự nhiên diễn ra. Có thể là: con phải dùng bút, thước, đồ dùng cũ. Thậm chí dùng một thứ “khó chịu” khác để thay thế như cái que thay cho cái thước kẻ.

 

10. Hậu quả tự nhiên tiếp theo có thể là con sẽ phải lấy tiền tiết kiệm của con để mua các đồ vật đó. Con hết tiền thì lại quay về bước 9, phải dùng đồ vật cũ.

 

11. Học những thói quen mới cần rất nhiều THỜI GIAN, SỰ KIÊN NHẪN và ĐỘNG LỰC TÍCH CỰC.

 

12. Cha mẹ là người hỗ trợ trong việc khuyến khích trẻ học tính kỷ luật và những thói quen lành mạnh để giúp cuộc sống của con tốt đẹp hơn.

======

Mai Mai - Family Education Mentor

 

← Bài trước Bài sau →