Khám phá thế giới âm nhạc và nghệ thuật cùng con

Khám phá thế giới âm nhạc và nghệ thuật cùng con

Câu hỏi của phụ huynh:

“Chị Mai chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức để bồi dưỡng cho bọn trẻ về mấy vụ đàn ca sáo nhị hay vẽ vời đi ạ. Em muốn bồi dưỡng khả năng về âm nhạc, nhạc cụ hay các môn nghệ thuật cho bé, trước hết là về cảm thụ âm nhạc chị ạ. Bé nhà em năm nay gần 4 tuổi, nhưng em cũng chưa biết bắt đầu như nào cho đúng. Không rõ độ tuổi phù hợp với từng loại nhạc cụ của các bạn nhỏ như thế nào để em cho bạn bé nhà em làm quen dần.”

======

Life Mentor trả lời:

 

Để có thông tin chuẩn nhất, em cần hỏi chuyên gia về âm nhạc, nghệ thuật (giáo viên, nghệ sĩ đang hoạt động trong nghề). Chị sẽ chia sẻ với em những hiểu biết của chị (là phụ huynh) sau khi hỏi chuyện các giáo viên dạy âm nhạc, nghệ thuật của con chị nhé.

 

(Chị có thói quen, gửi con học ở đâu đều hỏi kỹ giáo viên về phương pháp học, lộ trình phát triển, các hướng đi tương lai của mỗi môn).

======

 

1. Bắt đầu với cảm thụ âm nhạc

 

Ở tuổi mầm non, bé chưa cần học chơi nhạc cụ ngay vì tay còn bé và yếu, mà quan trọng là phát triển tai nghe âm nhạc và cảm nhận nhịp điệu. Một số cách để giúp bé cảm thụ âm nhạc:

  • Nghe nhạc thường xuyên: Chọn các thể loại nhạc phù hợp như nhạc thiếu nhi, nhạc cổ điển nhẹ nhàng, dân ca, jazz nhẹ nhàng.
  • Hát cùng bé: Bạn có thể hát những bài hát đơn giản, kết hợp với vỗ tay, nhảy múa theo nhịp. Nhà chị cả bố và mẹ kém hát hò, nên chỉ mở video cho con hát theo.
  • Dùng nhạc cụ đơn giản: Cho bé tiếp xúc với những nhạc cụ đơn giản như lục lạc, trống nhỏ, kèn harmonica. Các món đồ chơi cho baby đó em, đó là những nhạc cụ đầu tiên của trẻ con. Tránh các đồ chơi lắp pin, đèn nháy xanh đỏ, và có loa nhạc chói tai.
  • Kể chuyện bằng âm nhạc: Kết hợp kể chuyện với giai điệu, tạo sự kết nối giữa ngôn ngữ và âm thanh. Có thể nghe podcast kể chuyện có nền nhạc, hoặc mẹ đọc truyện cho con nhưng mở nhạc nhẹ nhàng bên cạnh
  • Ở Hà Nội có một số trung tâm, giáo viên chỉ dạy về cảm thụ âm nhạc, hoặc trị liệu bằng âm nhạc thú vị lắm. Mẹ không làm được thì gửi đến cô, hoặc trung tâm họ giúp cho.

========

 

2. Độ tuổi phù hợp với từng loại nhạc cụ

 

Mỗi nhạc cụ đòi hỏi kỹ năng khác nhau, vì vậy thời điểm tốt nhất để bắt đầu sẽ phụ thuộc vào thể chất và nhận thức của bé:

  • 3-4 tuổi: Bắt đầu làm quen với các nhạc cụ nhịp điệu như lục lạc, trống, bộ gõ đơn giản. Đây là giai đoạn khám phá âm thanh và tiết tấu. Món này chị học lỏm được từ một cô giáo dạy trị liệu bằng âm nhạc. Họ có đủ mọi loại nhạc cụ, và họ chơi với trẻ dựa vào loại nhạc cụ rất thú vị.
  • 4-6 tuổi: Có thể thử làm quen với các nhạc cụ. Phổ biến nhất với tuổi này là piano, ukulele hoặc violin (loại nhỏ). Giáo viên dạy Piano nói, 5 tuổi là bắt đầu cho trẻ nghịch với phím đàn được rồi. Ngón tay vẫn ngắn nên chỉ làm quen thôi.
  • 6 tuổi trở lên: Nếu bé thực sự hứng thú, có thể bắt đầu học các nhạc cụ. Lúc này, bé có thể nhận biết cao độ, nhịp độ, và có sự tập trung tốt hơn.

=====

 

3. Kinh nghiệm cho con làm quen với nghệ thuật

 

  • Quan sát sở thích: Đầu tiên cho bé đến từng lớp (từng loại nhạc cụ khác nhau) cho quan sát, làm quen. Cho bé thử động tay vào. Nếu vẫn chưa thích, dừng lại chờ đợi một thời gian. Sau 1-3 tháng quay lại thử tiếp. Thử khoảng 3-4 lần mà vẫn không hứng thú thì cũng chẳng ép được. Chắc là không thích âm nhạc rồi.
  • Học qua trò chơi: Các giáo viên năng khiếu họ giỏi lắm, họ biết cách nịnh trẻ con, vui chơi với trẻ con, khiến con hứng thú. Có lần chị đưa con đến 1 lớp vẽ, nhưng các cô cứ doạ “Nào vẽ nhanh lên, hôm nay không vẽ xong là cô bắt ngồi lại vẽ đến tối, không cho về đâu đấy.” Lập tức chị không dám cho con theo học luôn. Tìm giáo viên biết tương tác với trẻ và không gian học tập truyền cảm hứng rất quan trọng trong học nghệ thuật.
  • Thời gian học ngắn: Các giờ học hiện nay được bố trí khoảng 1 tiếng thôi. Như vậy là đủ mệt với trẻ con rồi. Nhà chị mua thêm app Simply Piano nữa, mỗi lần tập 15 phút thôi, nhưng 1 ngày tập 3-4 lần. Chẻ nhỏ ra cho đỡ căng thẳng.

=====

 

4. Các hình thức sáng tạo khác (vẽ, nặn, thời trang, tạo hình…)

 

  • Ngoài âm nhạc, em có thể khuyến khích bé vẽ, nặn đất sét, cắt dán, để bé phát triển toàn diện khả năng sáng tạo. Mình không tự làm được thì gửi đến các lớp nghệ thuật. Có những lớp họ dạy đa dạng nhiều hình thức gồm cả vẽ, nặn, tạo hình, thủ công….để vui chơi là chính và khai phá xem con thích mảng nào. Không nhất thiết phải đi chuyên sâu luôn khi con còn quá bé.
  • Lớn hơn chút nữa, khoảng cuối cấp 1 thì con có thể làm quen với những thứ khó hơn (vẽ đa dạng chất liệu, thiết kế thời trang, thiết kế trên máy….)

=======

 

Hi vọng những cóp nhặt này sẽ giúp được em nha.

======

Life Mentor - Tư vấn giáo dục từ nền tảng gia đình

 

← Bài trước Bài sau →