KHÁM PHÁ GỐC RỄ CỦA CÁC MÂU THUẪN VỚI CON

KHÁM PHÁ GỐC RỄ CỦA CÁC MÂU THUẪN VỚI CON

Lý do chủ yếu của xung đột với con là từ vấn đề giao tiếp. Trẻ con đã nhạy cảm, mà cha mẹ chỉ cần thiếu tâm lý một chút, giao tiếp trục trặc một chút thôi là có thể thổi bùng lên những xung đột không đáng có.

Hôm nay chúng ta sẽ xem một mô hình của nhà tâm lý học John Gottman gọi là mô hình bốn kỵ sĩ của Gottman. Mô hình này xác định 4 kiểu giao tiếp kém: Chỉ trích, khinh miệt, phòng thủ, bức tường đá là 4 nguyên nhân chính dẫn đến xung đột trong các mối quan hệ. Ở bài này chúng ta hãy chỉ nói đến mối quan hệ với con thôi nhé.

Nắm rõ được 4 kiểu giao tiếp kém này, sẽ giúp bạn nhận ra mình thuộc kiểu giao tiếp nào, và dần học cách từ bỏ, và thay thế bằng kiểu giao tiếp lành mạnh và hiệu quả hơn. Từ đó cứu rỗi mối quan hệ với con của bạn đấy.

Bốn kỵ sĩ là một ẩn dụ mô tả sự kết thúc của thời đại trong Kinh Tân Ước, dùng để mô tả 4 kiểu kị sĩ với 4 tính cách khách nhau, khiến cho một triều đại sụp đổ, tương ứng với 4 phong cách giao tiếp mà theo nghiên cứu, có thể dự đoán sự kết thúc của một mối quan hệ.

1. Chỉ trích

Chỉ trích thường là tấn công cá nhân, tấn công vào tính cách của con. Điều này khác với phàn nàn.

Ví dụ:

Phàn nàn: “Mẹ rất sợ khi về muộn mà không gọi cho mẹ. Mẹ nghĩ chúng ta đã đồng ý rằng mẹ và con sẽ báo cho nhau khi ai đó không về đúng hẹn.”

Chỉ trích: “Con không bao giờ nghĩ xem hành vi của mình sẽ ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Mẹ không tin con lại đãng trí đến thế, con chỉ nghĩ đến mình thôi.”

Những lời chỉ trích khiến con cảm thấy bị tấn công, bị từ chối và bị tổn thương, đồng thời cuộc nói chuyện thường leo thang thành cuộc xung đột lớn hơn, cuối cùng là khinh thường nhau.

2. Khinh thường

Khi giao tiếp mà mang trong đó sự khinh thường, người đối diện sẽ nhận ra ngay. Đối xử thiếu tôn trọng với người khác, chế nhạo họ bằng những lời mỉa mai, bắt chước hoặc sử dụng ngôn ngữ cơ thể như đảo mắt hoặc chế giễu. Mục tiêu rõ ràng đó là làm cho con cảm thấy bị coi thường và vô giá trị.

Ví dụ: “Con mệt á? Hãy nhìn mẹ đây này. Ở nhà cả ngày, làm bao nhiêu là việc, hết trông em, lại dọn nhà, nấu nướng phục vụ cho con. Thế mà con ngày nào đi học về thì ngồi phịch xuống ghế, chỉ biết chơi rồi đòi ăn thôi. Con mệt quá nhỉ?”

Sự khinh thường, mỉa mai do những suy nghĩ tiêu cực âm ỉ kéo dài lâu ngày, nhưng không nói ra, khiến cho con khi bị tấn công, tất cả những cáo buộc đều “đúng”. Chỉ có điều, về mặt mối quan hệ thì sự khinh thường sẽ là dấu hiệu cảnh báo cho mối quan hệ rạn nứt.

3. Phòng thủ

Đây thường là phản ứng trước những lời chỉ trích. Tất cả chúng ta đều luôn phòng thủ, để bảo vệ an toàn cho tinh thần của mình. Khi cảm thấy bị buộc tội oan, chúng ta kiếm cớ bào chữa và đóng vai nạn nhân vô tội để đối phương rút lui.

Thật không may, chiến lược này gần như không bao giờ thành công. Những lời bào chữa của chúng ta chỉ nói với đối phương rằng chúng ta không coi trọng mối quan tâm của họ và rằng chúng ta sẽ không chịu trách nhiệm về những sai lầm của mình:

Câu hỏi: “Con có gọi cho bà để thông báo tối nay nhà mình sẽ không đến nhà ông bà như đã hẹn không?

Phản ứng phòng thủ: “Hôm nay con bận quá. Mẹ biết lịch của con bận đến mức nào mà. Tại sao mẹ không làm?”

Con đã phản ứng phòng thủ, đồng thời đổ lỗi ngược lại cho mẹ, nhằm tránh việc nói rằng con chưa làm.

Phản ứng không phòng thủ: “Ôi, con quên mất. Đáng lẽ con nên nhờ mẹ gọi, vì hôm nay lịch của con rất bận. Đó là lỗi của con. Để con gọi cho bà luôn.”

Mặc dù việc tự vệ khi căng thẳng và cảm thấy bị tấn công là điều hoàn toàn dễ hiểu, nhưng thường thì việc phòng thủ, và đổ lỗi ngược thường chỉ khiến hai bên đổ lỗi qua lại và mâu thuẫn leo thang.

4. Tường đá

Đó là khi một bên rút lui khỏi tương tác, tắt máy, ngừng phản hồi trong cuộc tương tác. Thay vì đối mặt với các vấn đề, chúng ta lại lảng tránh như phớt lờ, quay đi, tỏ ra bận rộn hoặc có các hành vi mất tập trung. Đừng để việc đó trở thành một thói quen xấu trong giao tiếp gia đình.

Khi bạn cảm thấy bế tắc khi nói chuyện với con, hãy bảo con: “Mẹ thấy sắp có xung đột xảy ra, mẹ nghĩ chúng ta dừng cuộc nói chuyện ở đây, khi nào bình tĩnh lại sẽ nói chuyện tiếp.” Sau đó, dành 20 phút để làm điều gì đó giúp xoa dịu bản thân, sau đó quay lại cuộc trò chuyện khi bạn cảm thấy sẵn sàng.

Chứ đừng bước ra khỏi phòng, đóng rầm cửa, và giận dỗi không thèm nói chuyện với con trong nhiều ngày, không trả lời tin nhắn, phớt lờ con.

Khi bạn xung đột trong giao tiếp với con, bạn thuộc nhóm nào trên đây? Chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận về những cách ứng xử thay thế cho 4 nhóm hành vi nêu trên trong bài tiếp theo nhé.

—--

Mai Mai - Family Education Mentor

Founder Tư Vấn Nhóm - LifeMentor.vn

← Bài trước Bài sau →