Hồi An An nhà mình học lớp 1, mình gửi ở 1 trường tư. Con nhà mình Tiếng Việt kém nhất Hà Nội, còn Tiếng Anh lại đi khá xa.
Còn việc học ở lớp thì Tiếng Việt đi khá nhanh, và công nhận các cô dạy kỹ càng. Nhưng tiếng Anh lại lại bắt đầu học abc và từ đơn (do trình độ tiếng Anh của các bạn trong lớp rất lệch nhau. Có bạn thì chưa biết chữ nào, có bạn đã nói leo lẻo rồi).
Mình gặp cô giáo đề nghị: Hãy cho An An các bài Tiếng Việt dễ thôi, mẹ sẽ cố gắng dạy thêm để con theo được. Và cho bài Tiếng Anh nâng cao hơn, vì con đã qua giai đoạn học từ đơn rất lâu rồi.
Cô giáo bảo: Không làm thế được. Các bạn trong lớp phải chung 1 bài tập và lộ trình như nhau. (Cô không giải thích rõ ràng là cô không có thời gian, hay là các bạn sẽ thắc mắc, hay lý do gì khác).
Mình hỏi: Hồi đầu năm họp phụ huynh, chị được giới thiệu là trường “học tập cá nhân hoá” và “lấy trẻ làm trung tâm”. Bây giờ chị đang cần cá nhân hoá cho con đây, vì con bla bla… (Các bác bắt đầu thấy tôi đòi hỏi quá đáng đúng không? Hãy đọc phần sau sẽ rõ nhé)
Cô giáo cũng không trả lời được (đáng phải chửi thằng Marketing, dám bịa ra điều mà giáo viên không làm được). Vậy là mình đi về. Mình bước qua tấm banner quảng cáo to đùng có dòng chữ “học tập cá nhân hoá” treo hiên ngang ở cổng.
Tất nhiên là mình đành chịu, không thể kiện tụng hay ép giáo viên thay đổi được. Năm sau mình chuyển con đi vì con vẫn dốt nhất môn tiếng Việt.
Đến đoạn này thì mình cũng biết tỏng rồi. Tất cả các câu chữ leng keng nhất trên các nội dung quảng cáo đều là do những thằng làm Marketing / Truyền thông như chúng tôi làm ra chứ đâu. Trước đây mình làm trường học rồi, cũng biết việc quảng cáo những mỹ từ hấp dẫn phụ huynh như: “công dân toàn cầu” “Cá nhân hoá” “học theo dự án” “Tự tin, sáng tạo, phát triển toàn diện…” thậm chí người dạy còn không biết đến lời hứa này từ team marketing.
Chuyện tưởng đến đây là hết. Nhưng không.
Đến khi mình chuyển trường, mới thực sự được hiểu “học tập cá nhân hoá” là thế nào.
- Con học chậm môn Toán, cô dạy các bạn khác Toán 4, nhưng cho con học Toán 3 thôi. Bài tập cũng cho dễ thôi, thỉnh thoảng chen vào ít Toán 4 để nâng dần trình độ con lên.
- Năng lực đọc của con rất tốt, cô cho các bạn 1-2 tờ về đọc, đưa con quyển hẳn 200 trang. Cô bảo: ngày xưa bằng tuổi con, cô bắt đầu đọc quyển này.
- Con học tốt môn khoa học, cô cho con đọc quyển riêng về khoa học.
- Hôm trước mình đến trường hỏi về bữa ăn của con. Con khó ăn, nên được hỗ trợ suất ăn riêng.
- Mình còn biết ở trường này nhiều bạn rất xuất sắc, được học vượt 1-2 lớp. Cũng có bạn học chậm, được học lùi trình độ. Mà lùi trình độ từng môn, có sự hỗ trợ của giáo viên, chứ không phải học đúp nhé.
Giờ mình mới thấu hiểu thế nào là “cá nhân hoá” tại nhà trường. Dù đã được nghe đồn từ anh Phan Phan từ bên bển Na Uy, nhưng nay mới được trải nghiệm.
Thật là nhẹ cho tấm thân U40 này mà. Chỉ ước ao đứa trẻ nào cũng xứng đáng được quan tâm như một phiên bản duy nhất.