Câu hỏi của phụ huynh:
“Có nên để con được toàn quyền sử dụng tiền tiêu vặt không?”
=======
(Bài viết này trích từ nội dung khoá học “ĐỒNG TIỀN KHÔN - NHỮNG BÀI HỌC TÀI CHÍNH ĐẦU TIÊN DÀNH CHO TRẺ EM 6-10 TUỔI".
Thiết kế theo khung chương trình của các tổ chức từ Mỹ:
- Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC)
- Hội đồng các nhà giáo dục tài chính quốc gia (National financial educators council)
- Chương trình hiểu biết tài chính của Mind Treasure (Mind Treasures: Financial Literacy Program)
Nghiên cứu và thiết kế bài giảng tại Việt Nam: LifeMentor.vn)
(Lời mời hợp tác: Life Mentor đang tìm kiếm các đối tác với vai trò Host của các chương trình đào tạo. Bạn vừa được học miễn phí, vừa có thu nhập rủng rỉnh. Mời các bạn inbox hẹn Mai Mai để chúng ta đồng hành với nhau nhé.)
=======
Life Mentor xin trả lời câu hỏi:
Một trong những thách thức lớn trong cuộc sống là kiểm soát mong muốn. Với trẻ em thì càng khó hơn nữa, trẻ em chưa có khả năng kiểm soát cảm xúc tốt, và luôn muốn thỏa mãn tức thì. Hẳn chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh những đứa trẻ háo hức chạy khắp nơi trong siêu thị, mè nheo đòi mua đồ chơi hay đồ ăn vặt. Và cha mẹ thì nghĩ đủ cách từ nhẹ nhàng khuyên giải, đến cứng rắn, thậm chí quát nạt, hay “lừa” trẻ để chúng “buông tha” món đồ muốn mua. Lý do là, trẻ chưa có khả năng kiểm soát mong muốn như người lớn chúng ta. Trẻ chỉ nhìn thấy những điều trước mắt và muốn có ngay lập tức.
Đặc biệt xã hội hiện đại khiến trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều từ truyền thông, quảng cáo. Từ TV, thiết bị điện tử, các tấm biển quảng cáo, tờ rơi, màn hình trong thang máy…dù tránh cũng không thể tránh hết được. Truyền thông quảng cáo đưa đến trước mắt chúng ta một cuộc sống với ngập tràn các sản phẩm, và liên tục nhắc chúng ta (và những đứa trẻ thơ ngây) rằng, phải sở hữu các món hàng đó, cuộc sống mới đủ đầy, viên mãn và hạnh phúc.
Trừ khi chúng ta có rất nhiều tiền, và việc mua sắm là niềm vui, nếu chúng ta có gia cảnh bình thường và phải tiết kiệm cho những mục tiêu dài hạn của cả gia đình, thì cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cách kiểm soát mong muốn, bằng cách kiểm soát nhu cầu trước mắt, thiết lập mục tiêu và kiên nhẫn làm việc để đạt được những thứ mình muốn có.
======
Đáp án nhanh: Giúp con chia tiền ra 4 hộp
- Hộp Chi tiêu: dành riêng cho những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống (tức là thức ăn, nước uống, quần áo, chỗ ở và sức khỏe) sẽ giúp con sống sót. Thông thường người lớn, trong điều kiện thu nhập trung bình nên phân bổ khoảng 50% số tiền vào mục này. Khi con ở cùng cha mẹ, con ăn uống, mặc quần áo bố mẹ mua cho, nên con có thể bỏ vào đây 30% thôi. Để con có thể chi tiêu khi đi ra ngoài ăn uống với bạn. (Chỗ này nhiều cha mẹ vẫn mắc sai lầm nhé. Khi con cần ra ngoài thì xoè tay xin tiền bố mẹ theo thời vụ. Và cha mẹ sẽ hỏi “cần tiền làm gì?”. Nếu lý do hợp lý thì cho, mà cho ít hay nhiều tuỳ thuộc vào tâm trạng hôm đó, khiến con rất khổ sở nghĩ ngợi đủ mọi kế khi xin tiền. Nếu lý do không hợp lý thì cha mẹ và con căng thẳng, cò cưa kéo xẻ mãi để đàm phán xin mấy đồng. Trẻ sẽ không học được chút gì về tài chính nếu như liên tục xin tiền theo thời vụ và liên tục phải nghĩ kế để đàm phán xin tiền như vậy đâu.)
- Hộp tiết kiệm: tiền này gửi vào một quỹ tài chính (hãy giải thích với con về hoạt động ngân hàng, và lãi kép, quỹ…rồi cùng con ra ngân hàng mở một sổ/ tài khoản tiết kiệm). Nếu trẻ muốn giữ trong hộp cũng được thôi, và lãi suất là 0%. Nhưng trẻ cần cam kết không động đến vào những việc cấp bách. Hãy bỏ vào đây 30% tổng số tiền con có.
- Hộp chia sẻ: Hãy giải thích với con, có rất nhiều trẻ em, người già, thậm chí người lớn, không có được những phước lành mà chúng ta được hưởng hàng ngày. Như một mái nhà với đủ tiện nghi, bữa ăn no đủ, giáo dục tiến bộ. Có thể cho trẻ ra ngoài đường, xem những người hành khất, hoặc lao động khốn khó. Có thể cho trẻ thăm bệnh viện, trại trẻ mồ côi. Có thể cho trẻ đi tình nguyện vùng khó khăn…để trẻ thấy rõ người thực việc thực, hiểu rõ chúng ta đang may mắn thế nào khi có một mái nhà, điều kiện kinh tế tốt, và thức ăn mỗi ngày. Việc chia sẻ một phần của cải và tài nguyên sẽ mang lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác và cả bản thân chúng ta. Con có thể chia sẻ với người thân trong nhà, mua quà, tặng ông bà, cho anh chị em, mua quà tặng bố mẹ…cũng là sẻ chia. Con hãy bỏ vào đây 10% số tiền tiêu vặt của mình.
- Hộp đầu tư: Đầu tư là cống hiến, sử dụng các hình thức của cải khác nhau (tức là cả kiến thức, kỹ năng, tiền bạc, thời gian và tài năng như sức mạnh thể chất, tinh thần, và tình cảm) cho một mục đích gì đó. Hãy bàn bạc với con, và để vào đây 30% số tiền tiêu vặt của con. Số tiền trong hộp đầu tư là để dành cho các mục tiêu dài hạn. Ví dụ: với bố mẹ sẽ là số tiền để dưỡng già, nghỉ hưu, mua nhà, mua xe ô tô, mua bất động sản, học hành phát triển bản thân… Còn với con, nếu con đã lớn, khoảng trên 13 tuổi, số tiền này sẽ dành để con mua bảo hiểm, đầu tư chứng khoán, hoặc đầu tư cho trí tuệ như học tập, sách vở, hoặc bắt đầu kinh doanh.
Đến đây, chắc bạn đã thấy, con có thể tự do chi tiêu trong số tiền tiêu vặt con được cho (30%), vì số tiền này rất ít, không nên kiểm soát con quá chặt chẽ. Con còn có các mối quan hệ xã hội, bạn bè của con, điều này cần đến tiền.
Còn hộp tiết kiệm, đầu tư thì bố mẹ nên bàn bạc với con và hỗ trợ con biết sử dụng thông minh số tiền này.
Hộp chia sẻ có thể linh động. Con có thể bàn bạc với bố mẹ nếu dùng cho chia sẻ bên ngoài, nhưng con không cần bàn với bố mẹ nếu mua những món quà bất ngờ cho người thân trong gia đình. Hộp này hoàn toàn linh động tuỳ vào việc bàn bạc của bố mẹ với con.
======
Nếu bạn cho con tiền tiêu vặt quá ít, không đủ chia ra 4 hộp, thì chắc con sẽ dùng hết vào phần chi tiêu, và không còn để vào các hộp khác. Mình biết có nhà cho con 5 nghìn/ ngày. 5 nghìn thì chỉ đủ mua cái bánh là hết, không đủ để chia ra các hộp gì đâu.
======
Mai Mai - Tư vấn giáo dục từ nền tảng gia đình