Câu hỏi của phụ huynh:
“Con bảo mẹ đừng có để bị lừa. Mẹ phải làm sao?”
=====
Life Mentor xin trả lời:
1. Ở đây mình không hiểu bạn hỏi “Có cách gì không?” là ba mẹ mong muốn gì? Mình mạnh dạn đoán là ba mẹ muốn con đồng ý với cách tặng quà cho người khác phải chân thành và không nghĩ xấu về người nhận quà? Hay ba mẹ muốn xoá bỏ nỗi lo lắng của con là em bé bị bắt cóc, mẹ bệnh, mẹ chết? Hay ba mẹ muốn tìm ra câu trả lời để giải thích cho con vì con hỏi nhiều?
2. Kể cả trong 3 trường hợp trên thì ba mẹ đang ôm vấn đề của con thành vấn đề của mình rồi. Chúng ta hãy nhớ thần chú: vấn đề của ai trả về cho người đó. Đây đều là những suy nghĩ riêng của con, lo lắng riêng của con. Tự nhiên ba mẹ ôm nó thành vấn đề của mình. Không những thế, lại còn phải nghĩ cách thay đổi suy nghĩ, tư duy của con nữa (nếu mình đang đoán đúng mục đích ở phần 1 bên trên nhé).
3. Mà tư duy, suy nghĩ này là của riêng con. Đến một đứa trẻ cũng có thể nói được “Chúng ta là những người khác nhau, tất nhiên suy nghĩ phải khác nhau rồi.” Điều đầu tiên ba mẹ có thể làm là tôn trọng suy nghĩ ấy của con. Vì dù sao con cũng nói đúng đấy nhé. Con quan sát thấy đúng là có người nhận quà xong vứt đi, con thấy đúng là có em bé bị bắt cóc, sợ mẹ bệnh, mẹ chết là có thật, con nghĩ rằng nên quan sát xem người ta cần thật sự không … cũng là tư duy chính đáng. Vậy tại sao quan sát và tư duy của con lại cần phải thay đổi? Ba mẹ hãy đọc cuốn “Học làm cha mẹ hiệu quả” của TS. Thomas Gordon để biết có 12 rào cản giao tiếp. Rất có thể ba mẹ dễ phạm phải 12 rào cản giao tiếp này đấy. Hậu quả của 12 rào cản này là KHÔNG NÓI CHUYỆN ĐƯỢC VỚI CON. Con thấy nói mà ba mẹ chẳng hiểu mình gì cả. Lần sau không nói chuyện nữa. Vậy là mất kết nối, và không còn cơ hội lần sau con nói cho mình nghe nữa.
4. Cha mẹ có thể làm gì? Chỉ cần lắng nghe thôi, và hỏi con thêm (mục đích để con nói hết ra suy nghĩ của con, chứ không phải chất vấn) “Con nghĩ vậy à? Vì sao con lại nghĩ vậy? Con nhìn thấy gì? Hôm đó con nói chuyện với em bé bị bắt cóc em ấy nói gì? Thế cơ à? Nghe sợ nhỉ? Xong con đã làm gì? Con sợ mẹ chết à? Vì sao con lại sợ mẹ chết? Điều gì khiến con sợ mẹ bệnh?…)
5. Nếu ba mẹ vẫn muốn nói ý kiến ngược với con, thì vẫn cứ thành thật nói ra. Nhưng bằng cách lịch sự và không mang tính tấn công quan điểm. Hãy dùng công thức “Con có thể nói đúng….VÀ đây là quan điểm của mẹ.” (Chứ không phải: con nói đúng NHƯNG..., hoặc con nói sai rồi.) Ví dụ: “Mẹ thì nghĩ thế này…”, “có thể quan sát của con đúng trong trường hợp con biết. Và hôm nọ mẹ gặp trường hợp thế này…” Công thức YES - AND (ĐÚNG - VÀ) là thần chú giao tiếp đấy các bạn ui.
6. Về cơ bản, câu hỏi này là phần ngọn. Phần gốc quan trọng hơn là cách trò chuyện thế nào để tăng thêm kết nối, để lần sau con chịu nói cho mà nghe. Dù quan điểm có đối chọi nhau, thì vẫn trò chuyện và thấu hiểu nhau được. Giao tiếp là yếu tố quan trọng nhất trong việc kết nối tình cảm.
7. Hi vọng câu trả lời này sẽ giúp được cho bạn nhé.
=======
Mai Mai - Family Education Mentor