GIẢI PHÁP CHO CÁC CHA MẸ ĐANG NUÔI CON Ở THÀNH PHỐ LỚN

GIẢI PHÁP CHO CÁC CHA MẸ ĐANG NUÔI CON Ở THÀNH PHỐ LỚN

"Muốn hai con được hưởng môi trường giáo dục tốt - thu nhập phải đạt 100tr/tháng ở Sài Gòn"?

======

 

Đây là góc nhìn của người làm tư vấn giáo dục gia đình, nhằm bình luận câu hỏi trên, và đưa ra giải pháp cho các cha mẹ đang nuôi con ở thành phố lớn (như Hà Nội, SG...)

=====

 

Trong bài của Donald, mình đồng ý với phân tích (và có sửa lại) như sau:

Chất lượng giáo dục = Năng lực + Thời gian + Tài chính.

 

(Với điều kiện cha mẹ biết sử dụng thời gian thông thái, đầu tư tài chính khôn ngoan, năng lực đặt đúng chỗ. Chứ đầy nhà nguồn lực dồi dào, thời gian nhiều, tài chính tốt mà đầu tư lung tung hết cả.)

 

Chất lượng giáo dục = Năng lực + Thời gian + Tài chính.

 

Đây là một combo chiến thắng. Có cả 3, bạn nằm trong top tinh hoa. Có 2 yếu tố cũng có nhiều lợi thế lắm rồi. Nếu chỉ có 1 yếu tố, bạn sẽ hơi vất vả một chút, nhưng vẫn có thể có chất lượng giáo dục tốt, nếu biết cách. Vì thế, bạn mới quan tâm đến bài này và theo dõi đến cuối để tìm đáp án.

=====

 

1. Năng lực mạnh của cha mẹ thể hiện ở:

 

- Tư duy chiến lược và khả năng hoạch định giáo dục dài hạn. Hầu hết phụ huynh mình quan sát được có thể nhìn thấy khoảng 5 năm phía trước thôi. Họ lựa chọn con đường giáo dục dựa trên dữ liệu hiện tại hoặc quá khứ. Họ thiếu thông tin về tầm nhìn dài hạn.

 

- Có tầm nhìn rõ ràng cho hành trình học tập và phát triển nhân cách của con. Vì không rõ ràng, nên nhiều người mắc hội chứng sưu tập tài liệu, sưu tập khoá học, món gì cũng thử một chút mà không theo đuổi gì được dài lâu.

 

- Biết đặt mục tiêu theo từng giai đoạn: mẫu giáo – tiểu học – trung học-định hướng nghề nghiệp.

 

- Ưu tiên kỹ năng cốt lõi thay vì chạy theo xu hướng học thêm, học nhồi.

 

- Khả năng học hỏi và cập nhật kiến thức mới

 

- Biết cách tự học, đọc sách, tham gia các khoá học về giáo dục, tâm lý trẻ em, kỹ năng làm cha mẹ.

 

- Hiểu biết về giáo dục, có tầm nhìn tương lai

 

- Biết chọn lọc thông tin, không bị nhiễu loạn bởi những lời khuyên chưa kiểm chứng.

 

- Kỹ năng giao tiếp và đồng hành cùng con

 

- Biết lắng nghe con, thấu hiểu cảm xúc, nhu cầu và điểm mạnh điểm yếu của con.

 

- Biết tạo ra môi trường học tập tích cực trong gia đình.

 

- Biết hướng dẫn con tự học, tự lập và xây dựng thái độ học tập đúng.

 

- Có mối quan hệ rộng, có năng lực tìm kiếm và xây dựng mạng lưới hỗ trợ…

=====

2. Đầu tư thời gian cho con gồm:

- Dành thời gian chất lượng mỗi ngày để kết nối và đồng hành với con.

 

- Thời gian chất lượng: 15–30 phút mỗi ngày để lắng nghe, hỏi han, trò chuyện sâu với con về cảm xúc, trường học, các mối quan hệ, những điều con đang tò mò.

 

- Chủ động tham gia vào quá trình học tập và phát triển kỹ năng của con. Nếu các bạn quan sát phụ huynh trường quốc tế, họ tham gia đầy đủ vào mọi hoạt động từ to đến bé của con tại trường và ngoài nhà trường.

 

- Giúp con hình thành thói quen học tập, kỹ năng tự học, kỹ năng sắp xếp thời gian. Mình biết có phụ huynh học tập cùng con mỗi ngày, cần mẫn gấp 10 lần gia sư.

 

- Cùng đọc sách, làm bài tập, luyện thuyết trình, tư duy phản biện. Vẫn là phụ huynh trên, họ mua thật nhiều sách cho con, đọc cùng con, thảo luận từng chi tiết với con, cùng con làm thí nghiệm, cung cấp cho con lộ trình học chất lượng.

 

- Dạy con từ đời sống hằng ngày. Biến việc nấu ăn, dọn nhà, đi siêu thị, đi du lịch thành những bài học thực tế về toán học, ngôn ngữ, khoa học, kỹ năng sống, tài chính cá nhân.

 

- Quan sát con rất kỹ, phát hiện điểm mạnh – điểm yếu của con. Cha mẹ dành thời gian đủ nhiều và đều đặn sẽ phát hiện sớm năng lực đặc biệt, hoặc những “cảnh báo sớm” về tâm lý, học tập.

 

- Nhờ phát hiện sớm, họ có thể điều chỉnh kế hoạch học tập hoặc can thiệp đúng lúc, đúng cách ngay khi chưa xảy ra “sự cố”. Nhiều người cứ bảo “họ nuôi con dễ”. Không phải. Đứa trẻ nào cũng có những vấn đề của nó, nhưng cha mẹ càng theo sát, càng phát hiện sớm, thì càng xử lý sớm vấn đề, khiến cho đứa trẻ không bị “sa lầy”.

 

- Đầu tư vào chính mình – trở thành người thầy đầu tiên của con. Dành thời gian học hỏi về giáo dục, kỹ năng làm cha mẹ, đọc sách và tham gia các buổi chia sẻ chuyên môn.

 

- Vì thời gian bạn đầu tư vào tư duy và năng lực bản thân sẽ lan tỏa trực tiếp đến sự phát triển của con.

=======

 

3. Đầu tư tài chính cho con gồm:

 

Đây chính là phần trả lời cho câu hỏi “thu nhập 100 triệu đầu tư cho 2 con ở SG có đủ không?”. Phần này chắc chắn nhiều cha mẹ quan tâm nhưng cũng dễ hiểu sai hoặc đầu tư thiếu hiệu quả.

 

- Theo nguyên tắc tài chính cá nhân 50-30-20 thì 20% đầu tư cho học tập và các đầu tư khác. Giả sử 20% này hoàn toàn đầu tư vào giáo dục cho con. Đây cũng là lời khuyên của các chuyên gia tài chính “giáo dục chỉ nên chiếm 20-30% thu nhập gia đình, để đảm bảo tài chính bền vững”. Vậy với thu nhập gia đình 100 triệu, 20 triệu dành cho giáo dục. Mỗi con 10 triệu.

 

- 10 triệu/bạn thì có thể đầu tư 2 cách:

* Học trường công, với học phí + chi phí khác tại trường khoảng 3 triệu. Còn lại 7 triệu dành cho học thêm, ngoại khoá, kỹ năng, mua phần mềm học tập….Chắc là sẽ dư giả. Bạn có thể tiết kiệm khoản này để dành cho những cấp học sau, hoặc đi học thêm những thứ tốn kém hơn ở giai đoạn sau này.

* Học trường tư, với học phí + chi phí khác khoảng 10 triệu. Không đi học thêm nữa, tất cả combo trong 10 triệu này. Phương án này hơi khó, vì với hoàn cảnh ở VN hiện nay, dù học ở môi trường nào vẫn phải học thêm.

Học trường quốc tế. Phương án này hoàn toàn không khả thi. Vì chi phí cho trường quốc tế hiện nay khoảng 20-70 triệu/bạn/tháng.

 

- Ngoài học chính tại nhà trường, bạn cần cân nhắc các chi phí khác bao gồm: sách, phần mềm học tập, xe bus, ăn uống của con, thể thao, kỹ năng, nhạc cụ, công nghệ, máy tính thiết bị, trại hè, hoạt động ngoại khóa, du lịch trải nghiệm, đầu tư cho dự án cá nhân của con, chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho con… Nếu thêm các khoản này, thì tổng sẽ lên đến 30%. Tức 30 triệu = 15 triệu/con/tháng.

 

- Thêm một lưu ý, càng lên cấp học cao hơn, chi phí tại trường càng cao. Các chi phí bên ngoài nhà trường cũng tăng lên (khoảng 50% nữa).

====

 

Vậy nếu chỉ có 1 yếu tố trong bộ ba "Năng lực – Thời gian – Tài chính", cha mẹ nên làm gì để vẫn đảm bảo con có chất lượng giáo dục tốt?

 

1. Nếu chỉ có NĂNG LỰC (kiến thức – kỹ năng – tư duy - mối quan hệ tốt), nhưng thiếu thời gian và tài chính

 

Bạn là cha mẹ thông minh, tư duy rõ ràng, biết học hỏi, có năng lực định hướng, mối quan hệ tốt, nhưng bận rộn và ngân sách hạn chế?

 

Ví dụ điển hình: cha mẹ thu nhập trung lưu, bận rộn đi làm văn phòng.

 

Gợi ý cách làm:

- Tối ưu hóa thời gian nhỏ giọt: Dành 15 phút chất lượng mỗi ngày để nói chuyện với con, đọc sách cùng con, hoặc chơi một trò chơi tư duy. Ít thời gian cũng được, nhưng phải chất lượng và có kết quả ngay với thời gian ngắn đó. Hãy nghiên cứu Micro-learning.

- Tìm kiếm giáo viên giỏi, chi phí hợp lý, lớp học đông, nhưng con sẽ cần học và cày chăm chỉ.

- Tận dụng các tài nguyên miễn phí: YouTube giáo dục rất nhiều, các kênh giáo dục nhiều vô kể, chỉ cần chọn lọc đúng, không lan man.

- Homeschooling: mua những chương trình homeschooling quốc tế với mức phí vừa phải, chăm chỉ áp dụng, học tập đều đặn mỗi ngày đến khi có trái ngọt.

- Tìm kiếm sự giúp đỡ: Bạn có mối quan hệ tốt, có người thân bên cạnh. Hãy tập huấn người khác để thực hiện giúp bạn. Có thể truyền năng lực của mình cho ông bà, hoặc giáo viên phụ đạo để hỗ trợ con gián tiếp.

 

Cha/mẹ có năng lực mạnh có thể "nhân bản" sức ảnh hưởng của mình, ngay cả khi thời gian và tiền bạc hạn chế.

=====

 

2. Nếu chỉ có THỜI GIAN (rảnh, linh hoạt, làm việc tự do), nhưng thiếu năng lực và tài chính

 

Bạn có thời gian ở bên con, chăm sóc, chơi với con nhiều. Nhưng cảm thấy mình thiếu kiến thức giáo dục, không có nhiều tiền để đầu tư học thêm hay chọn trường tốt?

 

Ví dụ điển hình: cha mẹ làm việc tự do, mẹ làm nội trợ chăm sóc con…

 

Gợi ý cách làm:

- Học cùng con – lớn cùng con: Dành thời gian đọc sách cha mẹ, nghe podcast giáo dục, tham gia nhóm cha mẹ tích cực để tăng dần năng lực.

- Đi theo một chuyên gia để được tư vấn cách làm đúng, rồi bạn tự làm với con.

- Biến cuộc sống thành lớp học: Mỗi bữa ăn, mỗi lần đi chợ, mỗi lần đi chơi đều là “lớp học sống”. Bạn dạy con về cảm xúc, kỹ năng xã hội, khoa học, toán học qua đời sống.

- Tạo lịch trình học tập đơn giản mà đều đặn: Giúp con học đều mỗi ngày, không cần chạy theo trung tâm đắt đỏ.

- Kết nối cộng đồng: Tìm những nhóm học, nhóm cha mẹ để trao đổi, học tập và chia sẻ tài nguyên.

- Homeschooling: cũng như trên, mua những chương trình homeschooling quốc tế với mức phí vừa phải, chăm chỉ áp dụng, học tập đều đặn mỗi ngày đến khi có trái ngọt.

 

Thời gian + tình yêu + kiên nhẫn = sức mạnh bền bỉ để bù đắp dần cả năng lực và tài chính.

=====

 

3. Nếu chỉ có TÀI CHÍNH (thu nhập tốt) đi kèm với mối quan hệ xã hội tốt, nhưng thiếu thời gian và năng lực giáo dục

 

Bạn có thể kiếm được nhiều trăm triệu/tháng, đầu tư tiền bạc cho con học trường tư, quốc tế xịn, mua tài liệu, thuê người dạy… nhưng không có thời gian đồng hành và không chắc cách dạy con đúng?

 

Ví dụ điển hình: cha mẹ doanh nhân, nhà chuyên môn chất lượng cao…

 

Gợi ý cách làm:

- Thuê đúng người – nhưng không phó thác: Tìm giáo viên, coach, mentor có chuyên môn thật sự và cùng giá trị với gia đình. Nhưng bạn vẫn cần học cách đặt mục tiêu và giám sát.

- Tạo hệ sinh thái học tập quanh con: Đăng ký chương trình học kỹ năng, câu lạc bộ, du học hè, trại hè, trải nghiệm… nhưng nên được lựa chọn kỹ lưỡng. Bạn cần có tiêu chuẩn cao để chọn đúng chương trình mang lại giá trị thực, đúng với mong đợi.

- Đầu tư cho chính mình: Bỏ một phần ngân sách học lớp cha mẹ, hoặc mời chuyên gia tư vấn 1–1 cho tiết kiệm, để thiết kế lộ trình học tập cho con.

- Tạo thời gian chất lượng "đã được chọn lọc": Nếu bạn bận, hãy chọn những dịp thật ý nghĩa để kết nối sâu với con (du lịch, trò chuyện 1–1, trải nghiệm đặc biệt…). Bạn có thể đưa con vào tham gia sớm vào hoạt động kinh doanh của mình, để con sớm học được các kỹ năng cho tương lai, lại có thể dành thời gian kết nối với con.

- Sử dụng mạng lưới quan hệ mạnh của mình để tìm kiếm Mentor cho con, để con đi theo những sư phụ giỏi trong các ngành.

 

Tiền là công cụ – nhưng cần năng lực để sử dụng nó đúng chỗ và tạo ra chất lượng giáo dục thật.

=======

Life Mentor - Tư vấn giáo dục từ nền tảng gia đình.

 

← Bài trước Bài sau →