Đứa trẻ quá gắn bó với mẹ, mà mẹ lại cố tình đẩy con ra xa để mong con độc lập, thì đó là vấn đề ở mẹ, chứ không phải ở con.
Cha mẹ đang nhầm lẫn giữa nhu cầu gắn bó tình cảm ở trẻ, với việc trẻ độc lập trong sinh hoạt của mình. Không, hai việc này chẳng ảnh hưởng gì đến nhau hết.
Cha mẹ tưởng là đẩy con ra xa không ôm ấp con, ít nói những lời dịu dàng thì con sẽ tự rửa bát, tự ngủ riêng, tự xếp bữa ăn cho mình, tự giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
Nghe có mâu thuẫn hay không chứ?
Trẻ có nhu cầu gắn bó là chuyện đương nhiên. Trẻ cần tình yêu, sự an toàn về cảm xúc, và cần được gần gũi người mình yêu thương nhất.
Xã hội chúng ta quá ám ảnh với việc trẻ em phải độc lập từ sớm khi trẻ chưa sẵn sàng. Thế là người lớn ra sức khen ngợi sự độc lập ở đứa trẻ dưới 6 tuổi. Và tìm mọi cách để buộc những đứa trẻ quá gắn bó với mẹ phải độc lập.
Bắt đầu từ việc quấn tã ngủ riêng khi còn ẵm ngửa, đến việc con tự phải an ủi bản thân khi quá đau buồn, sau đó con tự xoay xở với những vấn đề riêng trong cuộc sống của con, mà không được cha mẹ hướng dẫn.
Nếu trẻ chủ động chọn độc lập và tự giải quyết vấn đề của mình thì tuyệt vời. Nhưng nếu chúng ta ép trẻ phải tách bầy sớm, dù trẻ luôn khao khát sự gắn bó thì đó là vấn đề khá là to.
Một số người hiểu sai sự gần gũi của trẻ em là là nuông chiều và thiếu tự tin, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Khi trẻ cảm thấy an toàn trong tình yêu thương, trẻ lại trở nên tự tin hơn. Được dẫn dắt bởi tình yêu, trẻ học cách trao yêu thương trở lại.
====
Life Mentor - Tư vấn giáo dục từ nền tảng gia đình