Để trẻ chịu hậu quả tự nhiên

Để trẻ chịu hậu quả tự nhiên

Rất nhiều phụ huynh hay cằn nhằn con trẻ, mà không chỉ một lần. Họ thường xuyên cằn nhằn những câu thế này "Làm bài tập về nhà đi" "Nhớ dọn phòng đi đấy" "Đừng có mà đi học muộn" "Suốt ngày dán mắt vào cái điện thoại thế hả." "Học hành chăm chỉ vào" "Nhớ về nhà đúng giờ đấy" Nghe quen không? 

Nếu có, hãy yên tâm rằng bạn không đơn độc đâu. Nhiều cha mẹ chia sẻ với tôi rằng cằn nhằn là cách duy nhất của họ để cố thuyết phục con mình nghe lời. 

Nhưng bất cứ khi nào tôi hỏi họ liệu cách cằn nhằn đó có hiệu quả không, tôi chỉ nhận được một câu trả lời: “Không có tác dụng tí nào.” 

Những bạn teen thường xuyên bị cằn nhằn sẽ không có động lực để thay đổi hành vi của mình. Thậm chí các bạn ấy còn phớt lờ và cãi lại hoặc nổi loạn. 

Vì vậy, thay vì cằn nhằn, tôi hay xui các bậc cha mẹ nên để trẻ tự chịu trách nhiệm với hậu quả gây ra. Đây là những việc của con, con tự lựa chọn làm gì với việc của mình. Nếu con không thực hiện thì có rất nhiều hậu quả đi kèm. 

Hậu quả thường là người thầy tốt nhất. Suy cho cùng, trong “thế giới thực”, con sẽ cần phải đưa ra những lựa chọn và giải quyết hậu quả của những lựa chọn đó. 

Ví dụ, nếu con trai bạn quên mang bài tập đến trường, bạn không cần bảo vệ hay bao che cho con,. Khi bị giáo viên nhắc nhở, hay bị điểm kém, con sẽ tự ghi nhớ, lần sau mang bài tập đầy đủ. 

Ví dụ khác: Con gái của bạn để quần áo bẩn của mình nằm trên sàn thay vì bỏ vào giỏ đựng đồ giặt. Bố mẹ nào cũng muốn cằn nhằn đúng không? Cằn nhằn xong rồi lại cúi xuống nhặt quần áo bẩn và bỏ vào giỏ. 

Tôi xui các cha mẹ đừng làm thế. Hãy để quần áo bẩn trên sàn và để con về nhìn thấy, nhắc con tự nhặt vào giỏ. Nếu con vẫn quên, thì mấy hôm sau  con sẽ không có quần áo sạch để mặc và buộc phải mặc lại quần áo bẩn. Mà ai lại muốn tới gần nói chuyện chơi đùa với mới một người mặc quần áo bẩn cơ chứ. 

Cứ như thế, con sẽ học được rằng mình nên bỏ quần áo bẩn vào giỏ đựng đồ giặt. Và bạn thậm chí sẽ không cần phải cằn nhằn câu nào. 

—— 

Hoặc làm như nhà tôi. Kiên nhẫn, bền bỉ mỗi tháng rèn 1 thói quen lao động. 

Làm sai, hỏng, lỗi thì mẹ lại tận tuỵ hướng dẫn từ đầu. 

Điều này cần rất nhiều tình thương và kiên nhẫn của mẹ. Không bao giờ đánh đấm, hay trừng phạt nhau. Chắc nhà tôi sắp được trao giải Nobel Hoà Bình quá. 

——-

← Bài trước Bài sau →