Hướng nghiệp đúng đắn không chỉ giúp con cái chúng ta chọn được một nghề nghiệp ổn định, mà còn ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống hạnh phúc và viên mãn sau này. Nhà nghiên cứu Donald Super cũng đã chỉ ra rằng hướng nghiệp chính là công việc diễn ra suốt đời.
Ông quan niệm quá trình phát triển sự nghiệp của mỗi người chính là hành trình tìm hiểu bản thân và nỗ lực sống đúng với chính mình. Lý thuyết của ông cũng chia sự nghiệp của con người ra thành 5 giai đoạn trong đời.
Sau đây, chính là 3 giai đoạn mà con cái chúng ta có thể đang trải qua.
1. Giai đoạn Phát triển: 0 đến 14 tuổi
Đây là giai đoạn mà một đứa trẻ lớn lên, học tập và định hình những đặc điểm, kỹ năng, sở thích và giá trị riêng của bản thân. Đồng thời, đứa trẻ cũng dần dần nhận thức về một thế giới nghề nghiệp đa dạng.
Giai đoạn này gồm 3 tiểu giai đoạn:
- Mộng mơ (dưới 10 tuổi): Con tưởng tượng về công việc mình muốn làm và chơi sắm vai, đóng giả những nghề nghiệp đó. Lựa chọn nghề nghiệp lúc này vẫn còn mơ mộng và kém thực tế. Ví dụ: Con có thể muốn làm ca sĩ vì thấy ca sĩ luôn được mặc quần áo đẹp.
- Hứng thú (11 đến 12 tuổi): Con lựa chọn nghề nghiệp dựa trên những điều mình thích hay không thích.
- Năng lực (13 đến 14 tuổi): Con chọn nghề thực tế hơn và biết cách so sánh khả năng của bản thân với yêu cầu của công việc. Ví dụ: Nếu con muốn trở thành nhà trị liệu tâm lý, con sẽ thử suy nghĩ xem mình có thể lắng nghe tốt không; có quan tâm, tinh tế với cảm xúc của người xung quanh hay không.
2. Giai đoạn Khám phá: 15 đến 25 tuổi
Ở giai đoạn này, mỗi bạn trẻ bắt đầu khám phá và xác định rõ sở thích, năng lực và đặc điểm riêng biệt của chính mình. Đồng thời, các con sẽ thử nghiệm và tìm ra được những ngành nghề hợp với mình trong thế giới rộng lớn và đa dạng này. Lúc này, sự hỗ trợ của cha mẹ sẽ giúp con rất nhiều trong việc khám phá bản thân và chọn được những hướng đi đúng đắn.
3 tiểu giai đoạn lúc này là:
- Thử nghiệm (15 đến 17 tuổi): Từ nhu cầu, sở thích, khả năng, cơ hội của bản thân, các bạn trẻ thử đúc kết thành các ngành nghề. Con cũng tìm hiểu những nghề đó bằng cách tưởng tượng, qua quá trình học tập, bằng công việc bán thời gian, làm tình nguyện hoặc quan sát những người có kinh nghiệm. Phụ huynh, thầy cô có thể là những hình mẫu, nguồn thông tin quý giá giúp con trải nghiệm nghề nghiệp.
Ví dụ: Mình tự nhận thấy mình có thể viết văn tốt, thích tìm hiểu những sự việc xung quanh, thích đi đây đi đó, có tính sáng tạo, năng động, giao tiếp tốt. Mình đang cân nhắc các ngành báo chí, truyền thông, du lịch hoặc trở thành nhà văn. Mình tìm hiểu bằng cách tham gia CLB Sáng tác – Văn học của trường, viết bài gửi cho một tờ báo tuổi teen, hỏi han kinh nghiệm các anh chị hướng dẫn viên mỗi khi đi du lịch; tham khảo ý kiến từ người quen.
- Chuyển giao (18 đến 21 tuổi): Đây là giai đoạn chuyển đổi từ môi trường học đường sang môi trường làm việc hoặc đào tạo chuyên nghiệp. Những khuynh hướng nghề nghiệp chung chung được xác định lại thành lựa chọn cụ thể. Các con sẽ suy nghĩ thực tế hơn và lựa chọn một ngành đại học hoặc một lĩnh vực đào tạo nghề. Ngoài ra, mỗi bạn trẻ cũng sẽ cố gắng sống đúng với những giá trị của mình.
- Đầu tư đơn giản (21 đến 24 tuổi): Lúc này, có vẻ các bạn trẻ đã tìm được một công việc tương đối phù hợp với mình và cân nhắc sẽ làm việc đó suốt đời. Dù vậy, sự đầu tư cho nghề nghiệp có thể chỉ là tạm thời. Nếu cảm thấy công việc không thích hợp, con có thể bắt đầu lại từ việc Đúc kết, Xác định rồi Theo đuổi một nghề nghiệp mới.
Và như vậy, 3 nhiệm vụ của giai đoạn này chính là: Đúc kết ra khuynh hướng ngành nghề phù hợp, Xác định nghề nghiệp cụ thể và Theo đuổi nghề nghiệp đó.
3. Giai đoạn Kiến tạo: 25 đến 45 tuổi
Sau khi đã tìm được vị trí công việc thích hợp, ở giai đoạn này, mỗi người sẽ cố gắng ổn định vị trí và theo đuổi những cơ hội thăng tiến xa hơn. Đây cũng được xem là giai đoạn làm việc hiệu quả và sáng tạo nhất trong đời.
2 tiểu giai đoạn trong thời gian này gồm:
- Đầu tư và Bình ổn (25 đến 30 tuổi): Đây là quá trình ổn định cuộc sống. Chúng ta đầu tư nhiều vào công việc; thể hiện thái độ làm việc tích cực và xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp. Chúng ta cũng bắt đầu tự chu cấp cho bản thân và gia đình. Nếu cảm thấy chưa hài lòng, vẫn có thể thay đổi 1-2 lần nữa cho đến khi tìm ra công việc thích hợp.
Ví dụ: Mình làm phóng viên một thời gian và cảm thấy vẫn chưa thể thỏa sức sáng tạo theo cách mình mong muốn. Sau khi cân nhắc và tìm hiểu lại, Mình chuyển sang làm copywriter cho một đơn vị truyền thông, đồng thời quay các video, viết blog và sách về chủ đề du lịch để chia sẻ những trải nghiệm thú vị với mọi người.
- Thăng tiến (31 đến 44 tuổi): Mỗi người tập trung củng cố vị thế trong nghề, phát triển kỹ năng và thăng tiến. Giai đoạn này có thể cực kỳ khó chịu nếu như không có sự thăng tiến hay thành tích mới.
Con đường nghề nghiệp của một người chính là quá trình tìm hiểu và sống đúng với bản thân. Theo Donald Super, mức độ thỏa mãn trong công việc tỉ lệ thuận với việc bạn sống đúng như chính mình đến mức nào. Cơm áo gạo tiền, trào lưu xu thế và nhiều mối lo khác có thể làm chúng ta quên mất rằng để chọn nghề thì cần nhất là phải hiểu rõ bản thân. Các con có thể phải xử lý lại nhiệm vụ của giai đoạn Khám phá dù đã 40 hay 60 tuổi, nếu lúc đó con nhận ra công việc thật sự không phù hợp với mình. Vì thế, thấu hiểu được “Tôi là ai” chính là một mấu chốt để con cái xây dựng con đường sự nghiệp vững chắc, lâu dài.
Dưới đây là gợi ý một số câu hỏi cho phụ huynh để cùng con tìm hiểu bản thân:
- Con học giỏi những môn nào trong lớp?
- Con có những năng khiếu nào (đàn, hát, vẽ, may vá, phân loại, sửa máy móc,…)
- Con thích những điều gì?
- Con thích một cuộc sống như thế nào?
- Mẫu người con muốn trở thành có những tính cách như thế nào?
(Nguồn: Future Catch)
—
“Life Mentor – Cha mẹ dẫn lối” là cộng đồng hỗ trợ các cha mẹ có con độ tuổi 10-18 trong hành trình giáo dục con, với các hoạt động chính:
- Kết nối 1-1 với các Mentor thành công trong đa dạng lĩnh vực.
- Định hướng sự nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm đa dạng các ngành nghề trong xã hội.
- Giúp con xây dựng tư duy, kỹ năng xã hội và các bài học về quản trị cuộc sống chưa được dạy trong nhà trường.
Chúng tôi xây dựng dự án Life Mentor để lưu giữ lại những tri thức mà chúng tôi học được từ nhiều nguồn trên thế giới, như một di sản để lại cho các con mình, và nhiều trẻ em Việt Nam.
Life Mentor mong muốn mọi trẻ em đều được thấu hiểu, tôn trọng, định hướng phát triển tiềm năng và sự nghiệp theo đúng năng lực và đam mê. Đội ngũ Mentor sẽ đồng hành trong quá trình phát triển của mỗi bạn nhỏ. Hãy cùng chúng tôi chung tay nhé.
Liên hệ công việc: lifementor2021@gmail.com
Website: https://lifementor.vn
Group FB: https://www.facebook.com/groups/lifementor2021
Spotify: https://spoti.fi/3zXawQT