Con 8 tuổi cha mẹ phải gõ cửa

Con 8 tuổi cha mẹ phải gõ cửa

"Tám tuổi phải gõ cửa” được hiểu đơn giản là với trẻ lên tám, cha mẹ phải gõ cửa trước khi bước vào phòng con. Nhưng khi trẻ ở độ tuổi này, hầu hết gia đình Việt Nam vẫn chưa cho con phòng riêng, mà là bố trí 1 góc học tập/bàn học trong nhà. Nhiều gia đình chỉ có 1 “phòng đa năng” ban ngày để sinh hoạt ban đêm để ngủ, phòng bếp cũng là chỗ để nấu nướng + tắm giặt + vệ sinh (có thể còn chẳng có cả cánh cửa mà gõ ấy chứ!), thậm chí nhiều gia đình đang ở phòng trọ, cả nhà sinh hoạt trên chiếc giường/tấm đệm to chưa thể “tách bầy”,...

Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn phải dạy con về quyền riêng tư! Ý nói người lớn phải tôn trọng không gian riêng tư của con (bao gồm vật dụng, đồ chơi, sinh hoạt và cả môi trường... không khí quanh người nó nữa)!
---
Ngày xưa chúng mình còn bé, hẳn nhiều người cũng bị người lớn lục lọi cặp sách, sách vở, tủ đồ, ngăn kéo của con mỗi khi con đi vắng, xem có cất giữ vật gì bí mật/ thư từ gì không.

Có khi thư tay đến nhà thì bị bóc đọc trước. Con gọi điện thoại thì bố mẹ nhấc máy nối dài, ngồi im cấm thở để nghe trộm xem con nói gì, với trai hay gái. Giờ có di động thì bố mẹ kiểm tra điện thoại xem con hay liên lạc, nhắn tin với số điện thoại nào! Hoặc hỏi han xoáy sâu vào vấn đề mà con muốn giấu. Ví dụ: hôm nay đi chơi với ai, ở đâu, làm gì, sao bố mẹ gọi điện không nghe máy, ...Chưa kể còn nói to, mở TV lớn tiếng, bật đèn sáng khi con cần ngủ/học bài/đọc truyện,…

Nhiều bố mẹ còn đọc nhật ký , bài văn của con rồi...đăng lên fb, chưa hẳn đã xin phép con. Hoặc đọc được nhật ký rồi vặn vẹo tra hỏi, kết tội con.

Nhiều cha mẹ còn tuyên bố: con cái không được quyền giấu giếm cha mẹ bất cứ chuyện gì, nếu gõ cửa trước khi vào phòng (có nghĩa là báo trước) thì làm sao bắt tại trận những hành vi sai trái của con? Đây là kiểu "cha mẹ cảnh sát", nhìn con như tội phạm, là thứ đáng sợ nhất đối với một đứa trẻ :))

Trẻ cần được tôn trọng không gian riêng tư của mình! (Không vào phòng con tự do, không lục lọi tủ đồ đạc của con, nếu con muốn công khai, khi đủ tin tưởng con sẽ công khai).

Trẻ cũng có quyền được giữ sự riêng tư về mặt cảm xúc. Cha mẹ không nên cố gắng "khai thác" những điều mà trẻ hoàn toàn không muốn chia sẻ. Không tra hỏi về bạn bè của con. Không cố gắng “xâm nhập” facebook, E-mail của con mà không được sự đồng ý. Không đọc trộm nhật ký của con, gọi điện thoại kiểm tra con mọi mọi nơi, mọi lúc, vân vân...Trẻ cần cảm thấy yên tâm rằng, dù có để quyển nhật ký phơi trên mặt bàn, thì cha mẹ có nhìn thấy cũng nhẹ nhàng gập lại, để đó cho con, mà không "thèm" đọc nếu con không cho phép.

Nếu "lỡ" phát hiện ra điều gì riêng tư bí mật của con, nếu đó không phải hậu quả quá nghiêm trọng, thì cha mẹ xin hãy giữ thể diện cho con, bằng cách đừng tra hỏi, đừng nói với bà hàng xóm, hay cô bác trong họ, đừng can thiệp nhiều.
---
Mong rằng các cha mẹ thấu hiểu và cùng con đi qua những vụng dại thật bình an.
← Bài trước Bài sau →