CHUYỆN NẾP NHÀ (PHẦN 2)

CHUYỆN NẾP NHÀ (PHẦN 2)

Con trẻ sẽ cần phải học được rằng quy tắc là một phần của cuộc sống. Cộng đồng nào cũng có những quy tắc riêng của mình. Ví dụ như tại trường học, trên phương tiện giao thông công cộng, trong đội thể thao… Thực hiện và tuân theo các quy tắc trong gia đình là bước khởi đầu để con tôn trọng các quy tắc ở những nơi khác.

Ai sẽ tham gia vào việc xây dựng quy tắc?

Quy tắc của gia đình là những quy định có từ truyền thống gia đình, tổ tiên truyền lại. Hoặc cũng có thể là các nguyên tắc mà cha mẹ đặt ra để con cái tuân theo trật tự gia đình. Một số gia đình hiện đại thì cha mẹ và con cái cùng bàn bạc và đưa ra một bộ quy tắc để tất cả cùng tuân theo.

Trẻ em từ ba tuổi là cha mẹ có thể thảo luận với con về các quy tắc được rồi (ví dụ: Chỗ này là đồ chơi của con, con được chơi. Chơi xong con phải cất vào chỗ cũ nhé. Còn đây là đồ đạc của mẹ, con muốn động vào phải xin phép mẹ nhé)

Khi trẻ lớn hơn, chúng có thể tham gia nhiều hơn vào việc quyết định các quy tắc trong nhà (Ví dụ: tụi nhỏ tự thoả thuận và đưa ra khung giờ được phép sử dụng máy tính, cuối tuần cả nhà sẽ làm gì…)

Khi cha mẹ cho trẻ tham gia vào việc làm luật, tụi nhỏ sẽ dễ chấp nhận các quy tắc hơn, và chúng hiểu lý do tại sao gia đình cần phải có nếp nhà. Đối với trẻ lớn và thanh thiếu niên, tham gia vào việc đưa ra các quy tắc cũng có thể giúp chúng có cơ hội tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Khi nào cần xem xét hoặc thay đổi các quy tắc?

Thỉnh thoảng, cha mẹ và con nên xem lại các quy tắc gia đình và có thể phải điều chỉnh một chút cho phù hợp với “thời đại”. Đây cũng là một cách rất hay để nhắc nhở mọi người về những quy tắc quan trọng nhất.

Khi con lớn hơn hoặc hoàn cảnh gia đình thay đổi, đó cũng có thể là lúc thay đổi các quy tắc. Ví dụ: cha mẹ có thể tăng/ giảm thời gian đi ngủ của trẻ trong độ tuổi đi học hoặc giờ giới nghiêm của trẻ vị thành niên.

Cũng giống như khi cha mẹ đưa ra các quy tắc mới, hãy trẻ tham gia vào việc thay đổi các quy tắc.

Trẻ ở độ tuổi khác nhau thì cần tuân theo các quy tắc như thế nào?

Trẻ mẫu giáo

Hầu hết trẻ em từ 3-4 tuổi đã có kỹ năng ngôn ngữ để hiểu các quy tắc đơn giản.Nhưng ở độ tuổi này, trẻ lại rất hay quên, hoặc bỏ qua các quy tắc. Cha mẹ đừng cáu gắt, trẻ quên là chuyện bình thường. Khi ta coi việc nhớ nhớ quên quên là bình thường, thì ta mới có thể bình tĩnh nhắc lại quy tắc 1000 lần cho trẻ mà không gắt gỏng.Ví dụ: “Con hãy nhớ khi ăn thì phải ngồi ở ghế nhé”. “Con hãy nhớ khi ăn thì phải ngồi ở ghế nhé”. “Con hãy nhớ khi ăn thì phải ngồi ở ghế nhé”. x 1000 lần

Trẻ em ở độ tuổi đi học

Trẻ em từ khoảng 8-10 tuổi là cha mẹ có thể để trẻ tự tuân theo các quy tắc mà không cần cha mẹ liên tục nhắc nhở nữa rồi.Ví dụ: trẻ đã có thẻ nhớ nguyên tắc là phải đánh răng trước khi đi ngủ hoặc đợi người lớn trước khi sang đường.

Thanh thiếu niên

Đây là lứa tuổi cần các quy tắc nhất.Ở độ tuổi mà teen va chạm với rất nhiều mối quan hệ xã hội và các luồng tư tưởng khác nhau, trẻ muốn bứt phá và thử những giới hạn, thì các quy tắc sẽ giúp cho thanh thiếu niên có cảm giác an toàn, chúng hiểu làm điều gì đúng, điều gì sai.

Đặc biệt là các quy tắc về hành vi an toàn đặc biệt quan trọng. Ví dụ như:

  • Được thử rượu nhưng không quá giới hạn 2 chén
  • Không lên xe với người sử dụng rượu
  • Tuổi nào mới nên quan hệ tình dục
  • Hẹn hò phải theo những nguyên tắc đã thoả thuận trước với bố mẹ
  • 11h là giờ giới nghiêm…

Một số quy tắc có thể áp dụng cho cả gia đình, một số quy tắc có thể chỉ áp dụng cho trẻ nhỏ hơn hoặc cho anh chị lớn.

Làm gì khi trẻ không tuân theo các quy tắc

Bước 1: Khi trẻ vi phạm các quy tắc, cha mẹ có thể chọn cách đơn giản là nhắc nhở, và cho trẻ cơ hội để làm lại.

VD: “Con có thấy con hét to vào mặt em là không chấp nhận được hay không? Lần sau con nói nhẹ nhàng lịch sự với em nhé.”

Bước 2: Tốt nhất, cha mẹ nên nói chuyện với con về hậu quả, để đảm bảo rằng mọi người đều hiểu và đồng ý về hậu quả.

VD: “Nếu con xin đi chơi, mà không về đúng hẹn, thì con sẽ không được đi chơi trong 2 tuần. Con đồng ý không? Con cần phải giữ lời hứa nếu muốn tiếp tục được đi chơi.”

Bước 3: Khi tất cả mọi người đều hiểu và đồng ý, trẻ vẫn phạm lỗi, cha mẹ có thể dễ dàng áp dụng hậu quả mà trẻ không cãi và chống đối.

VD: “Con đã nói hỗn với người lớn. Đó là điều không chấp nhận được trong gia đình mình. Mẹ sẽ phạt con theo đúng quy tắc, con sẽ phải xin lỗi và bị cấm ra ngoài cuối tuần này.”

Nếp nhà không chỉ là những cách ứng xử, là lời ăn tiếng nói, mà còn là tình yêu đối với truyền thống văn hóa gia đình. Đó là một cách giữ gìn dòng chảy văn hoá, truyền lại cho các thế hệ sau những di sản tốt đẹp. Cùng với thời gian, nếp nhà sẽ tạo nên những thế hệ con người hành xử văn hoá, văn minh, lịch sự, đóng góp cho xã hội những giá trị tốt đẹp.

Life Mentor – Kênh thông tin tin cậy về:

  • Xây dựng tư duy, kỹ năng xã hội cho bạn trẻ tuổi teen
  • Định hướng sự nghiệp thông qua kết nối với các Mentor thành công trong đa dạng lĩnh vực. 

Liên hệ công việc: lifementor2021@gmail.com

← Bài trước Bài sau →