CHÍNH CHA MẸ CŨNG THAY ĐỔI KHI CON VÀO TUỔI TEEN MÀ KHÔNG NHẬN RA ĐẤY (P1)

CHÍNH CHA MẸ CŨNG THAY ĐỔI KHI CON VÀO TUỔI TEEN MÀ KHÔNG NHẬN RA ĐẤY (P1)

CHÍNH CHA MẸ CŨNG THAY ĐỔI KHI CON VÀO TUỔI TEEN MÀ KHÔNG NHẬN RA ĐẤY (P1)

Mẹ: Làm thế nào để con biết là con đã bước vào tuổi teen?
Con: Con nhìn thấy chính bố mẹ thay đổi thì con biết.
Mẹ: Ủa là sao?
Con: Bố mẹ thường xuyên vui vẻ, yêu thương, vô tư, thoải mái khi con còn nhỏ. Nhưng giờ bố mẹ trở nên nghiêm túc, lo lắng và căng thẳng hơn.

Ố ồ, cách trả lời của đứa con tuổi teen vô tư thẳng thắn khiến cho tôi suy nghĩ rất nhiều.

Hoá ra, chính cha mẹ cũng có nhiều thay đổi khi con bước vào tuổi teen, chứ không thể chỉ đổ tội cho con thay đổi nữa nhé. Đây là một số biểu hiện cụ thể của cha mẹ khi con bắt đầu trưởng thành:

  • Khó chịu nhiều hơn “Con có dừng ngay đi không?”

  • Chỉ trích “Cứ cãi nhem nhẻm, bố mẹ sẽ nói cho con biết điều gì là đúng là sai.”

  • Thở dài “Bố mẹ sẽ phải theo dõi con, đến khi con hoàn thành việc này mới xong.”

  • Thị uy: “Bố mẹ là người đề ra quy tắc, con phải tuân thủ. Thế thôi.”

  • Nghi ngờ: “Lại nói vòng vo để giấu giếm cái gì phải không?”

  • Thiếu kiên nhẫn: “Khi bố mẹ nói ngay bây giờ, thì có nghĩa là phải làm ngay bây giờ.”

  • Lo lắng: “Con phải nghĩ kĩ xem, việc này có rất nhiều rủi ro đấy.”

  • Buồn: “Ngày xưa thì vui vẻ tốt đẹp bao nhiêu, giờ con lớn rồi có quá nhiều điều khác đi làm bố mẹ mệt quá.”

  • Bực bội: “Con chỉ nghĩ đến duy nhất mình con thôi hả?”

  • Đặt câu hỏi: “Bố mẹ phải hỏi nhiều, vì con giấu quá nhiều thông tin.”

  • Cảnh giác: “Mấy bạn vừa nãy đến chơi là ai đấy? Trông rất lạ nhé, bố mẹ chưa gặp bao giờ.”

  • Căng thẳng: “Mẹ rất sốt ruột khi con đi ra ngoài. Cứ phải đợi con về nhà mới yên tâm.”

  • Nghiêm trọng: “Chỗ đấy con thấy vui, nhưng mẹ chỉ nhìn thấy nhiều nguy cơ thôi.”

  • Sửa chữa: “Bố chỉ ra hậu quả, để con không lặp lại hành vi sai trái đó nữa.”

  • Giám sát: “Mẹ sẽ theo dõi sát đấy nhé, để xem con thực hiện ra sao. Đừng nói một đằng làm một nẻo nhé.”

  • Không tha thứ: “Con tưởng chỉ xin lỗi là xong à? Làm sao có thể bào chữa cho việc làm sai trái của con.”

  • Không trò chuyện: “Bố mẹ không muốn nói nhiều về chuyện này nữa đâu. Cứ động nói đến là bất đồng.”

  • Không chấp nhận: “Mẹ biết con định nói gì rồi, không cần phải cố thuyết phục đâu. Không là không nhé.”

…..

Rõ ràng chúng ta không dùng những lời nói, hành động, thái độ như trên khi con còn nhỏ. Chúng ta ôm ấp, yêu thương, dễ tha thứ với con biết bao nhiêu.

Chúng ta cứ tưởng rằng việc thay đổi thái độ, hành vi là từ 1 phía của con. Gánh nặng mối quan hệ thực ra đang trút lên vai cả bố mẹ và con. Ngay khi cha mẹ đang phải trải qua thời gian khó khăn làm quen với tuổi dậy thì của con, thì chính đứa con tuổi teen cũng đang trong thời gian khó khăn như vậy, để làm quen với những thay đổi từ cha mẹ.

Chắc chắn, con không cố tình làm cho cha mẹ khó chịu. Cứ hỏi con mà xem: “Con ơi, có phải con đang cố tình gây khó dễ cho mẹ không? Có phải con ghét mẹ mà hành động như vậy không?”

Chắc chắn câu trả lời là không. Con chỉ đang giảm dần mức độ quan tâm đối với sự nhạy cảm của người khác, con chỉ hành động bất cẩn, con chỉ chưa suy nghĩ thấu đáo khi hành động thôi.

Vậy thì, hãy giành phần khó về phía chúng ta. Phần khó chính là: đọc được những động cơ đằng sau hành vi của con, hiểu những nhu cầu chưa được đáp ứng của con. Trò chuyện, hỗ trợ con, hướng dẫn con trong từng bước đi nhỏ. Cha mẹ có làm được không?

----

Nguồn kiến thức: Sách Vị thành niên - viên ngọc quý

Người kể chuyện: Mai Mai - Family Education Mentor

Founder @LifeMentor.vn

← Bài trước Bài sau →