"Chiến tranh" giữa hai chị em

Câu hỏi của phụ huynh:

“Có cách nào xử lý cãi nhau 2 chị em gái không?”

======

Life Mentor xin trả lời:

 

Anh chị em nhà nào cũng đánh nhau bạn ạ. Bản chất là trẻ đang cạnh tranh quyền lực, cạnh tranh sự chú ý từ cha mẹ. Chuyện này là bình thường. Nhưng có nhà nhìn thấy đó là nguy cơ cần phải loại bỏ, và họ rất đau khổ vì tụi nhỏ đánh nhau, tranh giành nhau. Họ không chịu được và tìm mọi cách để loại bỏ việc trẻ tranh giành nhau.

 

Nhưng có nhà nhìn ra đó là cơ hội để dạy trẻ kỹ năng còn thiếu. Hai đứa nhỏ nhà tôi cũng chạnh choẹ nhau suốt ngày, tôi ngồi im quan sát, tôi kệ tụi nó tranh cãi nhau, chỉ can thiệp ngay khi trẻ làm đau, gây tổn thương, hoặc nói những lời xúc phạm vượt quá giới hạn chấp nhận.

 

Công thức là OWL (Observe, hai, listen - quan sát, chờ đợi, lắng nghe - mình đã share nhiều lần trong nhóm tư vấn). Để tụi nó bộc lộ ra hết các tính cách, các vấn đề, các tính xấu. Kể cả có những đứa trẻ thể hiện ra một số thủ đoạn, xấu tính, lừa đứa kia…. không cần phải sợ. Đó là cơ hội để mình biết con đang thiếu gì để dạy và bổ sung cho con.

 

Nếu không có mâu thuẫn, xung đột, tương tác thì mình không biết con thiếu gì để mà dạy. Hãy coi xung đột là một cơ hội giáo dục. Nếu bạn gửi con vào trung tâm học kĩ năng, họ còn phải giả lập nên một loạt tình huống để con tập xử lý (gọi là tình huống lạnh). Bạn vừa tốn rất nhiều tiền, mà các tình huống lạnh này không thật, con chẳng nhớ được. Còn các con xung đột thật, gọi là tình huống nóng, xảy ra mỗi ngày tại gia đình, giúp con liên tục được rèn luyện. Lại còn miễn phí :)))

 

Nhờ việc theo sát các xung đột của con, thấy con thiếu kỹ năng xử lý vấn đề là mình dạy ngay, nên mình thấy tụi nó học kĩ năng mới rất nhanh, trưởng thành lên từng ngày.

 

Nhờ có mâu thuẫn, mình mới dạy tụi nó được về đàm phán với nhau, làm đau nhau thì phải xin lỗi, cách tha thứ cho nhau, các nói những lời dễ chịu không làm tổn thương nhau, cách làm hoà sau khi mâu thuẫn, cách đợi lần lượt, chia sẻ quyền lợi, cách thảo luận để cùng đạt mục tiêu….

 

Vì thế, cần phải trân trọng tận dụng ngay những xung đột phải không?

======

Mai Mai - Tư vấn giáo dục từ nền tảng gia đình

 

 

← Bài trước Bài sau →