Hàng ngày, trong lúc tương tác với con, cha mẹ đóng rất nhiều vai trò nhé, nhưng chúng ta không nhận ra đâu.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc cha mẹ đang đóng vai nào. Ví dụ như tính cách cha mẹ, một kiểu làm cha mẹ nào đó mà chúng ta mới học được, mong muốn, kì vọng vào con, sự khó khăn khi giao tiếp với con, cách giao tiếp với con và những thách thức trong cuộc sống hàng ngày.
Tại một thời điểm, chúng ta sẽ đóng một trong những vai sau. Tuy nhiên, ở mức độ vừa phải thì ok, nhưng đôi khi cha mẹ “nhập tâm quá”, đóng vai kĩ quá, hoặc kém linh động quá, cứng nhắc quá, nên gây ảnh hưởng, cản trở sự phát triển của con, đặc biệt là ngôn ngữ. Chúng ta cùng Life Mentor tìm hiểu nhé.
1. VAI TRÒ NGƯỜI CHỈ ĐẠO (Director)
Cha mẹ chỉ đạo cuộc sống của con mỗi ngày. Họ lên kế hoạch là con ăn gì, mặc gì, khi nào thì đi ngủ…Chỗ này vẫn “chưa sao” nhé, vì việc sắp xếp tổ chức cuộc sống của gia đình vẫn thường do cha mẹ lên khung chương trình mà.
Nhưng Khi cha mẹ đóng vai chỉ đạo quá nhiều, quá thường xuyên, họ nói hết phần con, bảo con phải làm gì, phải làm như thế nào. Cái làm như thế nào mới là nguy hiểm (Ủa, nới nới ra chút coi, làm thế nào chả được, miễn là ra kết quả như mong muốn.) Họ không nhận ra rằng họ đang chỉ đạo quá đà và can thiệp vào quá trình học hỏi của con. Trẻ học được tốt nhất thông qua việc tự dẫn dắt các tương tác với thế giới.
Ví dụ: Bạn Lan muốn tìm trang sách có hình con khủng long trong sách, nên cứ lật lật giở giở quyển sách mà không tập trung đọc. Bố của Lan ngồi đọc cùng rất khó chịu, nhất định yêu cầu con phải đọc từng trang, không được lật giở lung tung. Theo bố, đọc sách phải từ tốn, trân trọng sách, phải lần lượt mới hiểu sách.
2. VAI TRÒ NGƯỜI KIỂM TRA (Tester)
Ví dụ: Bạn Bình đang chơi xe tải, mẹ cứ liên tục hỏi “xe tải màu gì hả con? Con đếm xem có bao nhiêu bánh nào? Có mấy người ngồi trên xe đây con?” Các cha mẹ thấy có quen thuộc không? Giống chúng ta lúc cùng con học Tiếng Anh không?
Mẹ của Bình đang đóng vai tester (người kiểm tra), mẹ suốt ngày chỉ hỏi và hỏi, không để ý xem con hứng thú, hay thích cái gì của cái xe.
Cha mẹ nào cũng mong con học được nhiều kiến thức, kỹ năng. Nếu con chưa phát triển đủ được như mong đợi, lại nghĩ rằng con cần phải học nhiều hơn, vì thế lại ra sức giúp con học. Vì thế họ đóng vai làm người kiểm tra (tester), họ hỏi đủ thứ câu hỏi để xem con đã học được gì chưa. Điều này mình thấy rất rất nhiều trong quá trình tư vấn. Các cha mẹ hay cho con làm quá nhiều bài tập (đầu ra) để kiểm tra năng lực của con. Nhưng kiểm tra đứa trẻ sẽ không giúp con học hỏi điều mới, tò mò khám phá. Một đứa trẻ học tốt nhất khi con vui, hứng thú, và cha mẹ hoà mình vào niềm hứng thú đó của con.
3. VAI TRÒ NGƯỜI MUA VUI (Entertainer)
Vai trò người mua vui của cha mẹ đương nhiên là rất vui rồi, và họ làm đủ thứ để giữ cho trẻ vui vẻ cả ngày. Họ cũng lo sợ nếu như con không có gì làm, ngồi “buồn” tha thẩn một mình, thấy thời gian trống trống của con là thấy “sao sao”.
Người mua vui thường dẫn dắt cuộc chơi, cha mẹ nói và chơi là chủ yếu. Vấn đề là trẻ không có nhiều cơ hội để tương tác và là 1 phần của trò vui đó. Để học ngôn ngữ, trẻ cần phải chủ động tương tác.
VD: bố liên tục nói “nhìn vào con voi này, con voi đang chuẩn bị ăn lá cây đấy. Con voi gặp con Hổ: Xin chào bạn hổ, bạn đang đi đâu đấy. Hổ nói: Grừ Grừ…”. Cứ thế, bố nói cả ngày, con ngồi xem. Con không có cơ hội tham gia vào trò chơi một cách chủ động. Hiểu được điều này, các bạn sẽ thấy mô hình ở các trường mẫu giáo “cổ điển” rất là “kì cục”. Cô giáo ngồi ở giữa, các bé vây xung quanh, cô nói, các con ngồi nghe, thỉnh thoảng cô lại gọi 1 bạn lên thực hiện, biểu diễn, các con còn lại vẫn ngồi im 1 chỗ quan sát và nghe. Được gọi mới lên biểu diễn. Từ mẫu giáo 2 tuổi đã như vậy, thì chúng ta hiểu là vì sao lên đến cấp 3, đại học các con lại bị động chưa?
4. VAI TRÒ NGƯỜI GIÚP ĐỠ (Helper):
Khi đứa trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp, cha mẹ thường giúp trẻ ngay. Họ thường đóng vai người giúp đỡ (helper) làm mọi thứ cho con. Họ cũng sốt ruột, thương con, muốn giúp con ngay. Cha mẹ có con đặc biệt thì càng làm điều này rõ ràng hơn. Khi cha mẹ giúp đỡ con quá nhanh, sẽ không thể nhận ra con có thể giao tiếp thế nào và điều gì thực sự làm con hứng thú.
Ví dụ: Ôi, con có muốn mẹ lấy cái cốc cho con không? Khi bạn San San đánh rơi đồ chơi, mẹ biến thành người giúp đỡ (Helper), ngay lập tức chạy đến và giúp San San, không đẻ bé có cơ hội làm gì. Điều này thấy rõ nhất ở việc “bà trông cháu”. Các bà rất hay ngay lập tức giúp trẻ con luôn, không đủ kiên nhẫn chờ đợi trẻ nói, hay xoay xở, vất vả làm gì đó.
5. VAI TRÒ NGƯỜI DI CHUYỂN (Mover)
Cha mẹ của trẻ nhỏ thường rất bận rộn. Danh sách việc phải làm mỗi ngày dài lê thê. Để đúng lịch trình, họ phải di chuyển và làm việc nhanh. Tuy nhiện, cha mẹ đóng vai trò mover (người di chuyển) thường xuyên đánh mất cơ hội tương tác với con và nói về những gì khiến con hứng thú. Thể hiện rõ nhất ở các cha mẹ đô thị, đi làm công sở, thời gian eo hẹp, cứ đúng 7h30 phải ra khỏi nhà, con cũng phải nhanh nhanh chóng chóng hoàn thành đúng và nhanh nhiệm vụ để đi học. Việc dành ra thêm 15 phút giải quyết nỗi niềm của con (dẫn đến việc cả mẹ và con bị muộn giờ) là điều xa xỉ.
ví dụ: Mẹ bạn Mây rất bận rộn và chỉ có 30’ để đi siêu thị, sau đó về nhà làm việc khác. Mẹ có một đống deadline đang chờ. Mẹ không nhận ra rằng Mây đang cố nói gì với mình. Mẹ chỉ nói “6h rồi, chúng ta phải đi thôi con.”
6. NGƯỜI QUAN SÁT (Watcher)
Đôi khi cha mẹ muốn tương tác với con mình nhưng lại không chắc là nên tham gia thế nào. Cuối cùng, họ chỉ có thể đứng nhìn con hoặc bình luận những gì con đang làm từ xa với tư cách người quan sát. Điều này đặc biệt đúng khi trẻ không thể hiện sự quan tâm lắm, và cũng không hứng thú tương tác. Trẻ chỉ ngồi chăm chú vào món đồ mà trẻ đang chơi thôi. Trẻ cần thời gian để khám phá và tự học. Để học ngôn ngữ, trẻ cần sự tương tác với cha mẹ.
Điều này mình gặp rất nhiều khi tư vấn các cha mẹ. Câu hỏi tưởng như rất đơn giản nhưng không hề đơn giản chút nào: “Chị ơi, em không biết nói gì với con lúc chơi. Em không biết nói vậy với con là ĐÚNG hay SAI. Có tác động tâm lý gì đến con không?”
7. VAI TRÒ HOÀ MÌNH (Tuned-in parent).
Hoặc có thể gọi là người tương tác cùng.
Khi giúp con học ngôn ngữ, điều quan trọng nhất là vai trò của cha mẹ là người tham gia cùng. Tham gia hoà nhịp vào sự hứng thú, nhu cầu, và năng lực của con. Cha mẹ tuned-in sẽ để cho con cơ hội bắt đầu tương tác, dẫn dắt. Sau đó họ phản ứng lại ngay lập tức với niềm hứng thú. Tất nhiên bạn không thể hoà mình liên tục được. Cả ngày còn bao nhiêu việc, mệt ơi là mệt. Nhưng hãy để ý, bất cứ khi nào bạn tương tác với con, hãy để ý xem bạn có phải là người nói quá nhiều không, hỏi quá nhiều câu hỏi không, giúp trẻ quá thường xuyên không. Mỗi ngày 30-60’ cũng được, nhưng nhớ là Tuned-in nhé. Đặc biệt khi kèm con học, hỗ trợ con học Tiếng Anh, càng phải tuned-in.
VD: Bố bạn Lan sau khi biết được rằng con đang tìm con khủng long, chứ không phải “nghịch sách vô tổ chức”, bố đã nhận ra không cần phải làm người chỉ đạo (director) nữa. Không nhất định phải đọc từng trang sách nữa. Bố đi theo sự dẫn dắt của con và cùng con lật đến trang có con khủng long. Đồng thời tương tác với con.
Lựa chọn vai trò nào là hoàn toàn nằm ở cha mẹ. Vai trò nào trẻ thích nhất và hợp tác nhất? Chắc chắn là hoà mình - tuned in rồi. Làm điều này không khó. Hãy thử các phương pháp từ Life Mentor gợi ý để cha mẹ cũng có thể trở thành coach xịn cho con nhé. Life Mentor ở đây để giúp đỡ các bạn.
-------
(Kiến thức từ cuốn sách IT TAKES TWO TO TALK của tổ chức Hanen - Tổ chức hỗ trợ năng lực giao tiếp của trẻ của Canada)
-------
Mai Mai - Family Education Mentor
Founder @LifeMentor.vn
Liên hệ công việc: lifementor.vn@gmail.com
Website: https://lifementor.vn
Group FB https://www.facebook.com/groups/lifementor2021
Spotify https://spoti.fi/3zXawQT
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UC7_rmsgL-OwgalsEoUwr9aA
Google podcast: https://bit.ly/3JGQcq9
TikTok: https://www.tiktok.com/@maimai_parenting
Các khóa học Life Mentor đang cung cấp: http://khoahoc.lifementor.vn