Chúng ta đều biết so sánh là một điều độc hại. Nó nuôi dưỡng sự ghen tị và nhỏ nhen ở con trẻ.
Ngày xưa xửa xừa xưa thì các cha mẹ hay nói :
"Nhìn chị mày kia kìa mà học hành cho chăm chỉ vào?"
“Nhìn thấy con nhà người ta chưa, nhìn đấy mà học tập”
"Sao con không được như bạn Lan ấy…”
Bây giờ các cha mẹ đã biết tránh những câu nói độc hại ấy rồi, nhưng họ vẫn nói những điều tương tự. Ở mức độ nhẹ hơn, nhưng với sự nhạy cảm của các con tuổi teen, thì các con vẫn cảm thấy đang bị so sánh và vẫn vô cùng bức xúc. Ví dụ:
“Mẹ thấy bạn Hải lớp con nhanh nhẹn giỏi giang quá…”
“Mẹ lo lắm con ạ, con xem bảng điểm của lớp con này, các bạn học chắc thế này cơ mà.”
Hầu hết các cha mẹ đều biết rằng việc so sánh con mình với “con nhà người ta” là một việc không nên chút nào. Nhưng chúng ta vẫn không ngừng việc đó lại, khiến trẻ bắt đầu trở nên ác cảm với những người được gán cho cái tên “con nhà người ta” đấy. Trẻ ghét bỏ người khác, cáu bẳn, và nhỏ nhen. Bị đặt lên bàn cân so sánh là một điều khó chấp nhận với những đứa trẻ đang ở độ tuổi nhạy cảm như tuổi teen, trẻ sẽ luôn có mặc cảm rằng mình đã làm không đủ tốt, mình sẽ không bao giờ làm hài lòng bố mẹ.
Các bạn ấy quá bận đấu tranh với cảm xúc nên không thể tập trung vào nhiệm vụ và trách nhiệm của mình. Chỉ khi con không bị đặt lên bàn cân so sánh với bất kỳ ai, con mới cảm thấy an toàn và cố gắng vào việc phát triển bản thân thay vì cố gắng thoát ra khỏi cái bóng của người khác.