Chào các bạn, lần này mình tiếp tục giới thiệu bà Minh U70. Bà Minh văn hay chữ tốt, làm thơ viết báo, viết nghiên cứu khoa học đủ cả. Sau nhiều ngày mình nịnh bợ, bà Minh đã viết lại hồi kí cuộc đời của bà.
Sau đây mình xin trích một số đoạn thú vị đến các bạn nhé. Hi vọng chúng ta học được điều gì đó hay ho từ bà Minh U70.
—-
Tháng 9 năm 1965, tôi tự hào bước vào lớp 5D với tư thế của một học sinh đứng đầu kỳ thi tốt nghiệp của cả huyện. Ngày ấy chỗ chúng tôi học có 2 phòng học, hình như là tận dụng nhà kho cũ, xung quanh là bãi tha ma mồ mả lởm chởm. Tôi sợ lắm, nhưng thầy cô và các bạn hàng ngày vẫn đến đây nên dần dần tôi không thấy sợ nữa.
Lúc này chiến tranh chống Mỹ đang sôi sục nên có thêm một số bạn ở Hà Nội sơ tán về. Một số anh chị lớp 5 năm ngoái lưu ban lại, chúng tôi trở thành một ngôi nhà chung “đa văn hóa” và đoàn kết. Học trò lớp 5 cũng lớn rồi nên có ý thức hơn. Bọn con trai vẫn nghịch ngợm nhưng đặc biệt không có hiện tượng bắt nạt con gái.
Từ đây tôi bắt đầu được học tiếng Nga, một môn lạ lẫm với một cô bé nhỏ tuổi như tôi, nhưng nó thú vị và tuyệt vời làm sao! Tôi như lạc vào một khoảng trời mới với những ngày đến trường có chương trình học do nhiều thầy cô dạy và môn ngoại ngữ tuyệt diệu.
Lúc này trong gia đình, tôi đã có 4 chị em và mẹ tôi đang có bầu em thứ năm (!). Bố tôi phải nai sức ra làm để có tiền nuôi con nhưng vẫn một dạ tin rằng con cái được học hành sau này sẽ không phải chịu cảnh đói nghèo. May mà bố tôi có nghề thợ xẻ, một nghề hồi đó được coi là “hái ra tiền”. Tuy vậy không phải lúc nào bố tôi cũng có việc đều để gia đình đông con có thể sống sung túc.
Hồi trước và sau năm 1960 bố tôi cùng với đội thợ xẻ lên Tây Bắc mấy đợt, mỗi đợt 3-4 tháng, xẻ gỗ tại rừng cho nhà nước. Bố tôi kể chuyện lại: ngày xẻ gỗ, tối không có điện nên ăn cơm sớm rồi mắc màn để tránh những con muỗi rừng sốt rét to đùng.
Tối nào cũng thế, bố tôi kể chuyện cho cả đội mấy tiếng đồng hồ đến khuya. Mà sao bố tôi thuộc nhiều chuyện thế không biết, từ Đông Chu liệt quốc, Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Hồng lâu mộng, Tống nhạc phi, Tây du ký, v.v… Cách kể của bố tôi giống như là tường thuật trực tiếp, tự minh họa vèo vèo, chíu chíu, đôi khi là tiếng xe bánh gỗ chở vua ngồi lọc cọc… lọc cọc…hoặc bắt chước giọng nhân vật nam hay nữ đúng trường đoạn, rất hấp dẫn (sau này chứng kiến bố nằm kể chuyện cho các con cháu vây quanh cũng cách đó, tôi phục lắm).
Bố đi Tây Bắc mấy đợt mới có tiền để xây được bức “cửa đảng” nhà tôi, tức là bức tường phía trước gắn với cửa ra vào, như thế kể cũng “khang trang” lắm rồi. Bố còn mua được cao hổ cốt về nấu cháo cho bà nội tôi ăn, và mang theo về mấy trận sốt rét rừng không tránh khỏi.
Trông dáng bố tôi rất thư sinh, không ai nghĩ bố phải làm công việc nặng nhọc ấy. Thế mà đời đưa đẩy, bố tôi, một người giỏi chữ Hán và tiếng Pháp, phải “cào ruột cây gỗ ra lấy tiền” như bố vẫn thường nói, nhưng người vẫn làm thơ... Bố tôi vẫn là người Hà Nội, có hộ khẩu Hà Nội, ở cùng nhà cô ruột tôi. Là người lao động tự do, nhà nước xếp vào nhóm nghề nặng nhọc nên cho tiêu chuẩn mỗi tháng được mua 21 cân gạo, thịt 5 lạng, đường 5 lạng.
Hết lớp 5 tôi được bố cho ra Hà Nội nghỉ hè 1 tuần, bây giờ người ta cho con cái đi nước ngoài chơi quá dễ, chứ hồi đó chúng tôi được “ra tỉnh” là một phần thưởng. Chỉ 1 tuần thôi, còn phải về trông em cho mẹ đi làm ruộng. Trong việc đưa tôi ra chơi Hà nội, ngoài ý muốn thưởng cho con học giỏi còn bao hàm một niềm tự hào của người cha. Bố tôi sung sướng viết bài thơ:
"Lớp Năm tốt nghiệp vừa xong
Theo cha lên đất Thăng Long nghỉ hè
Đường đi rợp bóng cây che
Phố phường đi lại tàu xe rộn ràng
Công viên thơm ngát hương lan
Tây hồ sen nở nhị vàng lá xanh
Nắng lên trong buổi bình minh
Sao vàng tỏa ánh Ba Đình mênh mông
Chiều tà dạo gót thong dong
Trên đê Hà nội ngắm dòng trường giang
Xa xa nhà máy công trường
Tiếng còi tiếng máy nhịp nhàng gần xa
Xung quanh vẫn đất nước nhà
Mà xem phong cảnh nay đà khác xưa."
Chao ôi, nghe ý thơ bao hàm cả một niềm lạc quan yêu đời, yêu lao động phơi phới của bố tôi…
---
Mai Mai - Family Education Mentor
Founder @LifeMentor.vn
Liên hệ công việc: lifementor.vn@gmail.com
Website: https://lifementor.vn
Group FB https://www.facebook.com/groups/lifementor2021
Spotify https://spoti.fi/3zXawQT
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UC7_rmsgL-OwgalsEoUwr9aA
Google podcast: https://bit.ly/3JGQcq9
TikTok: https://www.tiktok.com/@maimai_parenting
Các khóa học Life Mentor đang cung cấp: http://khoahoc.lifementor.vn