Căng thẳng vô hình ở trẻ

Căng thẳng vô hình ở trẻ

Câu hỏi của phụ huynh:

“Làm thế nào để biết con có đang bị sức ép/ căng thẳng vô tình nào từ bố mẹ/ thầy cô/ hoàn cảnh mà con có thể không ý thức được việc đó?”

=======

Life Mentor xin trả lời:

 

1. Hãy quan sát con kỹ để thấy con có những thay đổi nào bất thường:

  • Thay đổi trong hành vi và tâm trạng: Ví dụ tự nhiên hay cáu kỉnh, dễ bị kích động, hoặc rụt rè hơn bình thường.
  • Thay đổi về giấc ngủ và ăn uống: Tự nhiên con ngủ sớm hơn vì mệt mỏi, hoặc ngủ muộn hơn rất nhiều vì căng thẳng. Hoặc con có thể khó ngủ, hay ngủ quá nhiều. Đôi khi con ăn uống khó kiểm soát, hoặc tự nhiên bỏ ăn, ăn ít đi, có những thay đổi bất thường về thói quen sinh hoạt.
  • Biểu hiện lo lắng hoặc sợ hãi: Đôi khi, trẻ không biết được rằng mình sợ các bài kiểm tra môn Toán. Trẻ vẫn nghĩ là mình phải học, và cố gắng được. Nhưng cứ nói đến sắp có kiểm tra môn Toán là tâm trạng con bất an, sợ hãi, học cố học nhồi những vẫn mệt mỏi, sợ hãi. Học vất vả hơn bình thường. Thường thì phản ứng của cơ thể không thể nói dối.
  • Giảm sút trong học tập hoặc sở thích: Con đang từ một bạn nhỏ yêu thích hoạt động, có sở thích đặc biệt nào đó. Nhưng vì căng thẳng, con mất hết hứng thú học tập, chán cả sở thích của mình. Đó có thể là dấu hiệu của áp lực tâm lý.
  • Rút lui khỏi giao tiếp xã hội: Con tránh gặp mặt bạn bè, tránh nói chuyện với cha mẹ, con không thích đi ra ngoài cùng cha mẹ nữa, không thích tiếp xúc với người thân trong nhà. Về cơ bản là kém hứng thú với các tương tác xã hội.
  • Con không thể hiện được cảm xúc, nhưng hành vi của con nói lên nhiều điều: Có những bạn ngôn ngữ tốt, thì có thể nói ra cho mẹ nghe về những cảm xúc và lo lắng của mình. Nhưng có những bạn không biết diễn đạt tâm trạng của mình thế nào. Cha mẹ có thể đọc được tâm trạng của con thông qua hành vi thay đổi, như khóc lóc nhiều, giận dữ, hoặc hành vi tự làm tổn thương bản thân.

 

2. Làm thế nào để giúp đỡ con?

  • Lắng nghe và quan sát: Hãy dành nhiều thời gian lắng nghe con mà không phán xét. Con càng stress càng cần người lắng nghe. Chỉ cần mẹ bên cạnh và luôn sẵn sàng hỗ trợ.
  • Hướng dẫn con nói ra: Tưởng rằng việc nói ra thì ai chẳng nói được. Chúng ta đều biết nói từ năm 3. Nhưng qua gặp gỡ nhiều gia đình, mình thấy rất nhiều bạn nhỏ không nói ra vấn đề của mình. Lý do 1: Con không có khả năng ngôn ngữ tốt để diễn đạt. Nói vòng vo, nói không ra vấn đề, nói không đến tận cùng của cảm xúc. Lý do 2: Con không có kết nối tốt với bố mẹ. Nói ra chẳng ai hiểu chẳng ai nghe, nên không nói còn hơn. Việc hướng dẫn con nói ra đúng cảm xúc của mình là rất quan trọng (Hãy tham khảo Bánh xe cảm xúc trong các chương trình/ khóa học về EQ). Điều này có thể được rèn luyện từ khi con khoảng 6 tuổi, hoặc sớm hơn.

 

Mỗi đứa trẻ đều có cách thể hiện cảm xúc và đối phó với áp lực khác nhau, vì vậy quan sát và hiểu rõ con mình là rất quan trọng.

=======

Mai Mai - Family Education Mentor

 

← Bài trước Bài sau →