Cách thức hiệu quả để đồng hành cùng một bạn cá tính

Cách thức hiệu quả để đồng hành cùng một bạn cá tính

Câu hỏi của phụ huynh:

“Cách thức hiệu quả để đồng hành cùng một bạn cá tính là gì?”

=====

Life Mentor xin trả lời:

 

1. Câu hỏi này khá là chung chung nên cũng khó đưa ra câu trả lời cụ thể. Có thể bạn cần đưa tình huống cụ thể hơn sẽ có đáp án sát hơn. Nhưng nhà mình có 6 đứa trẻ, 4 đứa cá tính rất mạnh, 2 đứa cũng gần gần cá tính mạnh như thế. Nên mình nghĩ là công thức áp dụng tại nhà mình đang hiệu quả, chắc cũng sẽ hiệu quả với nhiều nhà.

 

2. Bạn nhỏ cá tính theo cách hiểu thông thường của chúng ta sẽ là: có chính kiến riêng của mình, và hay thách thức các cách làm cũ/ cách làm của người khác/ quyền lực của người khác.

 

3. Nếu đúng như mô tả phần (2) thì chúng ta nên cảm thấy may mắn vì có một bạn nhỏ như vậy trong nhà. Mặc dù khá là mệt mỏi vì luôn bị nói KHÔNG, hoặc bảo một đằng bạn ý làm một nẻo, hoặc bạn ý hay thách thức lại những yêu cầu của bố mẹ. Nhưng những bạn này có các tố chất đặc biệt tốt trong kinh doanh, sáng tạo sau này.

 

4. Sau đây là một số cách chúng ta có thể áp dụng (chắc chưa phải là tất cả, vì những bạn này cần phải biến tấu đủ cách để đáp ứng đúng nhu cầu của các bạn ấy)

 

(1) Mở rộng vùng chấp nhận của cha mẹ thật to lớn ra. Thường thì con càng ngoan, càng dễ nghe lời, càng hợp tác, chúng ta càng thích quản lý vi mô, tức là xem vào từng việc hàng ngày của con, điều chỉnh, hướng dẫn con tiểu tiết. Và con hợp tác nghe theo hết. Khi đó, vùng chấp nhận của cha mẹ hay nhỏ hẹp. Nhưng những bạn cá tính rất ghét khuôn khổ hẹp, và ghét bị quản lý vi mô, tiểu tiết. Hãy cho các bạn ấy không gian vùng vẫy rộng hơn. Chỉ cần đưa ra các điều kiện cơ bản, ví dụ: được làm bất cứ thứ gì miễn là không hại mình, không hại người, không vi phạm pháp luật. Còn lại hãy để bạn ấy tự nghĩ, tự quyết định. Đồng nghĩa với vùng chấp nhận của cha mẹ phải thật rộng lớn.

 

(2) Hướng dẫn con các kỹ năng để tự giải quyết (kể cả kỹ năng mềm, quản lý cảm xúc, hay kỹ năng cứng chuyên môn). Vì các bạn này luôn muốn thử những thứ mới. Cháu tôi còn nói “con thích thử những thứ ngu ngu”. Và cần để kệ các bạn ấy thử. Chỉ cần hướng dẫn các bạn ấy học từ đâu, kỹ năng gì cần để tự giải quyết. Còn lại để các bạn ấy tự xử lý. Khi nào làm hỏng, làm sai, hoặc gặp rắc rối thì quay về có bố mẹ ở đây hỗ trợ giải quyết hậu quả.

 

(3) Vì cá tính mạnh, các bạn ấy gần như KHÔNG BAO GIỜ nhờ vả, hoặc xin sự giúp đỡ. Nhưng các bạn ấy quan sát rất nhiều để tự học và tự rút kinh nghiệm. Cha mẹ làm gì, giải quyết vấn đề khó thế nào luôn nằm trong tầm quan sát của bạn ấy. Nên cha mẹ luôn trong tầm ngắm đấy. Cần phải thể hiện tốt và luôn chỉn chu.

 

(4) Những bạn bằng tuổi học cùng lớp không “ngang tầm” với các bạn ý đâu. Vì bạn nào cá tính mạnh thường nhanh hơn, thông minh hơn, mày mò sáng tạo hơn..nghĩa là các môn học trên lớp trở nên nhàm chán, các chủ đề trên lớp bị “lành” quá, bạn bè trên lớp hiền quá. Các bạn cá tính cần sự thách thức hơn so với cùng lứa tuổi. Cần phải đưa các bạn cá tính này đến với “vertical bonding” (Kết nối theo chiều dọc), chứ không chỉ giới hạn ở “horizontal bonding” (kết nối theo chiều ngang). Kết nối chiều dọc là gặp và tương tác với những người hơn 3 tuổi, 5 tuổi, 10, tuổi, 20 tuổi…người lớn, người già… Đó là môi trường khiến các bạn cá tính học được nhiều nhất. Thấy được người giỏi hơn, mạnh hơn, trí tuệ hơn…các bạn ấy sẽ học hỏi nhanh lắm.

 

Còn nhiều chiêu nữa. Nhưng vẫn phải tuỳ tình huống cụ thể mỗi bạn để thảo luận tiếp nữa bạn nhé.

========

Mai Mai - Family Education Mentor

 

 

← Bài trước Bài sau →