Câu hỏi của phụ huynh:
“Sự tự tin của trẻ em”
======
Life Mentor trả lời:
Cảm ơn em đã đặt câu hỏi rất thú vị về “bản chất sự tự tin của trẻ em”.
Đúng là đặt 2 bạn trẻ con Việt Nam và Âu Mỹ cạnh nhau thì nhìn thấy sự khác biệt rất lớn. Trẻ càng lớn càng thấy khác biệt rõ, về sự tự tin, năng lực tương tác xã hội của các bạn ấy. Tất nhiên không phải 100% trường hợp đều đúng, nhưng chúng ta đều nhận thấy đây là hiện tượng phổ biến đúng không?
Chị sẽ chia sẻ theo một vài góc nhìn dưới đây nhé.
1. Môi trường giáo dục:
(a) Trẻ con Phương Tây được khuyến khích BIỂU ĐẠT CÁ NHÂN từ sớm. Tức là trẻ được lắng nghe, được nói ý kiến của mình, được tham gia vào các tương tác xã hội, và được cho tự do thử thách.
- Không có chuyện người lớn trả lời hộ con (cướp lời) khi người khác hỏi con. Họ chờ đợi lâu để trẻ nói ra suy nghĩ của mình, dù mất thời gian, trẻ nói vấp liên tục, hay lúng túng, nói vòng vo lặp đi lặp lại.
- Không gạt bỏ ý kiến của trẻ con (nó bé biết gì, con chưa làm được đâu, con không thể nói thế được…)
- Không phớt lờ trẻ con. Khi trẻ con hỏi, họ ngồi xuống, nói chuyện với trẻ rất nghiêm túc. Họ không vội vội vàng vàng chỉ nói chuyện với người lớn. Trong một buổi gặp gỡ, họ coi đứa trẻ như một nhân vật chính ngang bằng, và họ trò chuyện, hỏi han ý kiến của trẻ con, chứ không phớt lờ vai trò của đứa trẻ. Đứa trẻ không phải là file cắp nách và bị bỏ qua, ngồi im xem điện thoại cho mẹ nói chuyện với bác.
- Trẻ được cho thử và sai, người lớn giám sát an toàn. Họ không ngăn cản đứa trẻ thử nghiệm điều mới. Sẽ ít có chuyện: ấy ấy đừng sờ vào, bẩn đấy, thôi thôi đi về, sao lại cứ chạy ra chỗ đấy thế nhỉ, ngồi im chỗ này xem nào…
(b) Trẻ em từ nhỏ đã được khuyến khích tự lập và tự chịu trách nhiệm về hành động của mình. VD: Montessori hay phương pháp giáo dục tự định hướng khác (các nước Châu Âu nói chung đều có phương pháp gần giống Montessori nhưng không gọi tên, hoặc nổi tiếng như Montessori thôi, về bản chất rất giống nhau.) Các phương pháp này thường khuyến khích trẻ tự ra quyết định, tự xử lý các thách thức. Ví dụ, trẻ tự lựa chọn các hoạt động mình thích trong giờ học, tự quản lý thời gian và học từ những trải nghiệm cá nhân.
(Nghiên cứu của Deci và Ryan (2000) về thuyết Động lực tự quyết (Self-Determination Theory) chỉ ra rằng việc trao cho trẻ quyền kiểm soát các quyết định cá nhân giúp tăng sự tự tin và sự phát triển về mặt tâm lý.)
(c) Khuyến khích thử thách và chấp nhận thất bại. Trẻ được khuyến khích thử nghiệm và họ coi thất bại là một phần của quá trình học hỏi. Cụ thể nhất: thi điểm thấp thì cho thi lại, làm bài lại, học kém thì được học kèm 1-1 riêng để đuổi kịp, luôn khen ngợi nỗ lực chứ không khen kết quả cuối cùng. Ví dụ cụ thể nhất là việc nộp hồ sơ vào đại học, cứ thoải mái nộp không giới hạn, cơ hội là vô tận. Vào xong học ra được trường mới là khó. Ai ai cũng có thể quay lại trường ĐH vào bất cứ lứa tuổi nào và được khuyến khích, hỗ trợ học tập, nhiều nơi miễn phí. Cả xã hội của họ vận hành để trao cho mọi người cơ hội thử lại không giới hạn. Không ai cảm thấy xấu hổ khi làm sai, làm chậm, làm hỏng hay đi con đường khác mọi người.
(Nghiên cứu của Carol Dweck (2006) trong lý thuyết Tư duy phát triển (Growth Mindset) nhấn mạnh rằng những trẻ được khuyến khích nhìn nhận thất bại như cơ hội học tập sẽ phát triển lòng tự tin và kiên trì cao hơn.)
2. Môi trường gia đình, cá nhân
Trẻ con học tập lối sống thông qua quan sát lối sống của cha mẹ. Văn hoá phương Tây là khám phá, trải nghiệm, là tự do. Trải qua nhiều thế hệ, từ ông bà, bố mẹ trẻ đã được khuyến khích sự tự tin, mạnh bạo, nên trẻ sẽ quan sát điều đó và học theo.
Đặc biệt, những gia đình expat ra nước ngoài làm việc đều là những “kẻ liều lĩnh”, dám làm, dám mạo hiểm. Cũng có rất nhiều người Phương Tây khác sợ hãi, rụt rè, không biết ngoại ngữ, và cả đời chưa bao giờ ra khỏi đất nước. Vì thế, chúng ta không có cơ hội gặp họ. Nhưng những người chúng ta gặp đều là những “kẻ phiêu lưu”, tính cách mạnh mẽ, phóng khoáng. Chúng ta nhìn thấy nét tính cách ấy ở con họ cũng đúng thôi.
Văn hóa gia đình ở phương Tây thường khuyến khích trẻ tự do thể hiện ý kiến và suy nghĩ của mình, ngay từ khi còn nhỏ. Trẻ được khuyến khích đặt câu hỏi, tranh luận và bày tỏ ý kiến một cách cởi mở mà không sợ bị đánh giá hay trừng phạt. Từ đó trẻ trở nên mạnh mẽ, tự tin, vì trẻ cảm thấy rằng ý kiến của mình có giá trị.
3. Môi trường xã hội:
Những đứa trẻ đã được tiếp xúc nhiều với môi trường xã hội đa dạng (đặc biệt các bạn nhỏ nước ngoài mà em gặp, chị đoán là được bố mẹ tha lôi hết nước này đến nước khác, gặp gỡ hàng ngàn người rồi), thường sẽ cảm thấy tự tin hơn khi đối mặt với những tình huống chưa quen thuộc.
Những trẻ ít ra ngoài, ít giao tiếp, ít gặp người mới có thể cảm thấy lo lắng hơn khi bước vào một môi trường lạ.
Xã hội tập trung vào sự phát triển mỗi cá nhân thay vì cạnh tranh
Môi trường học tập phương Tây nhấn mạnh sự phát triển cá nhân, không quan tâm bạn bên cạnh giỏi dốt thế nào (biểu hiện cụ thể nhất là: bảo mật điểm số, không bạn nào biết bạn bên cạnh điểm bao nhiêu). Mỗi học sinh được khuyến khích phát triển theo khả năng của mình mà không bị áp lực so sánh với người khác. Một bạn chỉ giỏi thể thao, hay “môn phụ” cũng được tôn vinh và tôn trọng như những bạn học giỏi “môn chính”.
(Một nghiên cứu tại Đại học Cambridge (2017) chỉ ra rằng khi trẻ được giáo dục theo hướng tập trung vào sự tiến bộ cá nhân thay vì so sánh với bạn bè, trẻ có xu hướng phát triển lòng tự tin cao hơn và khả năng ứng phó với căng thẳng tốt hơn.)
======
Có thể những quan sát trên chưa đủ hết được các yếu tố. Nhưng là những điều rất hiển nhiên dễ quan sát thấy. Từ đó, bản thân chúng ta cũng có thể học tập và cải thiện ở môi trường của mình để giúp con tự tin bạo dạn hơn.
Chị hy vọng những chia sẻ trên có thể giúp em hiểu thêm về sự tự tin của trẻ và làm sao để tiếp tục hỗ trợ con trên hành trình trưởng thành của mình.
======
Mai Mai - Tư vấn giáo dục từ nền tảng gia đình