
4 CÁCH ĐỂ GIÚP CON CÓ ĐỘNG LỰC TRONG MỌI VIỆC CON LÀM
- Người viết: Life Mentor lúc
- Kỹ năng làm cha mẹ
Sau một triệu năm tìm hiểu các cuốn sách về học tập, động lực phát triển của trẻ, tiếp xúc nhiều người giỏi giang, thành công, và đặc biệt là quan sát hàng ngàn phụ huynh cũng như con họ trong nhiều năm qua, mình đã tìm ra câu trả lời:
Những người đạt thành tích cao thường có động lực bởi những điều sau:
- Có mục đích: họ muốn sử dụng khả năng để làm cho thế giới tốt đẹp hơn.
- Có Niềm vui, Đam mê: họ có cảm giác phấn khích tột độ khi thực hiện việc gì đó.
- Nỗi sợ hãi: họ trải qua nỗi vất vả, chứng kiến cha mẹ nghèo khó, có một viễn cảnh đáng sợ mà họ muốn tránh
- Tầm nhìn: họ mơ ước một ngày mình đạt được mục tiêu vĩ đại, và cố gắng từng ngày để đạt được ước mơ đó
- Sự xác nhận: họ mong muốn được mọi người ghi nhận, tôn trọng vì thành tích hoặc năng lực nào đó
- Sự thành thạo: họ có cảm giác phấn khích khi đạt được kỹ năng hoặc thành tựu nào đó
- Sự cạnh tranh: họ mong muốn giỏi hơn người khác.
Có lẽ hầu hết những người đạt được thành tích đều được thúc đẩy bởi một hoặc nhiều yếu tố này.
Vì vậy, bạn hãy quan sát đứa trẻ của mình, thậm chí đặt câu hỏi thật cụ thể, để khám phá ra động lực đằng sau mọi nỗ lực của con.
====
Ví dụ, con mình rất thích học khoa học, động lực của con là:
- Có niềm vui, đam mê khi tìm hiểu kiến thức khoa học
- Ước mơ: bạn ý mơ ước một ngày trở thành bác sĩ thú y hoặc làm việc liên quan đến động vật.
Đáp lại, mình chỉ có thể ủng hộ: “Chắc chắn rồi, con sẽ trở thành một bác sĩ thú y xuất sắc. Thế giới này luôn cần những bác sĩ giỏi. Con thật may mắn khi tìm thấy niềm đam mê của con.”
Điều đó cũng giải thích vì sao con bỏ bê học nhạc, không hào hứng với thể thao, nghệ thuật. Thay vào đó con chỉ học các môn khoa học, vì khoa học mang lại cho con nhiều niềm vui hơn nghệ thuật.
Mình cũng chia sẻ với các con điều gì đã thúc đẩy bản thân mình đến với công việc ngày hôm nay. Mình nói với các con:
- Mẹ làm công việc này vì niềm vui. Mẹ thích viết lách hàng ngày, thích tư vấn, thích giúp đỡ mọi người bằng kiến thức của mình. Mẹ thích học những điều mới, và dạy lại cho người khác. Cuộc sống của mẹ sắp xếp lại để xoay quanh những điều này.
- Mẹ có mục đích. Mẹ mong muốn dành thời gian bên các con nhiều hơn. Mẹ muốn có những chuyến du lịch khắp thế giới mà thời trẻ mẹ chưa đi hết được. Mẹ muốn đi cùng bố và các con đến mọi nơi để có những kỷ niệm đẹp của gia đình, vì thế mẹ lựa chọn công việc tư vấn.
- Mẹ mong đợi sự ghi nhận. Mẹ thích giúp đỡ người khác, và cũng muốn mọi người khi nhận sự giúp đỡ của mình giúp ích cho họ.
====
Mình biết là nhiều cha mẹ lo ngại việc con “thích được khen”, thích được ghi nhận. Đó là động lực bên ngoài khiến con không đi được dài lâu. Mong muốn sự xác nhận từ người khác là ích kỉ.
Đúng là trong số các động lực trên, ba động lực sợ hãi, ghi nhận và cạnh tranh, là ba thứ gây tranh cãi nhiều nhất. Vì thế các cha mẹ tìm cách tránh né hoặc điều chỉnh nhận thức cho con.
Thành thật mà nói, khi còn nhỏ, rất nhiều bạn nhỏ chưa nhận thức hết được niềm hạnh phúc của học là biết được kiến thức mới đâu, hầu hết các động lực của các bạn đều đến từ bên ngoài như được ghi nhận, cạnh tranh với bạn bên cạnh, tị nạnh với đứa em, bị dọa cho sợ mà học. Cứ sẵn sàng chấp nhận sự phát triển nhận thức tự nhiên này, không cần chối bỏ nó.
Chỉ có điều, nếu động lực thúc đẩy con đến từ sự xác nhận của mọi người, con sẽ dễ bị hủy hoại bởi sự chỉ trích của họ.
Sau nhiều thập kỷ, trải nghiệm và cuộc sống sẽ dạy cho chúng ta dịch chuyển động lực vào bên trong. Thời điểm đó sẽ đến, hãy bình tĩnh.
====
Tôi có thể gợi ý 4 cách bạn có thể áp dụng để hỗ trợ con “giữ lửa” hay nuôi dưỡng động lực:
1. Giúp con xác nhận động lực của con từ đâu
Thấu hiểu bản thân là bài học quan trọng nhất mà mình dạy con. Khi cả mẹ và con cùng hiểu động lực của con là gì, sẽ không phải đoán, mà có thể hàng ngày trò chuyện với nhau về mục tiêu đó. Và tất cả mọi nỗ lực của con hàng ngày đều phục vụ mục tiêu đó.
Mình và con nói chuyện rất nhiều về động lực trở thành bác sĩ thú y hay làm nhà sinh vật học của con. Con càng thích, mẹ càng cổ vũ và tôn vinh.
2. Chấp nhận động lực hiện tại tồn tại trong con
Nhiều cha mẹ cố gắng ngăn cản sự cạnh tranh của con, hoặc muốn “cải tổ” con để không phụ thuộc vào động lực lời khen và ghi nhận từ người ngoài. Nhưng rồi bạn sẽ nhận ra ai cũng phải trải qua những giai đoạn phát triển nhận thức như vậy. Hãy chấp nhận, và bình tĩnh dạy con cân bằng động lực tự thân với sự chú ý từ thế giới bên ngoài.
Ban đầu mình cũng rất trăn trở với việc con đòi “Mẹ khen con đi, con làm tốt không mẹ, con yêu mẹ nên con mới cố gắng học cái này đấy”. Nhưng nhận ra đó là nhu cầu cần thiết của con, mình khen con, ghi nhận con, cảm ơn vì con đã nghĩ đến mẹ. Đồng thời vẫn liên tục trò chuyện để nhắc nhớ con về ước mơ bên trong con.
3. Đề xuất với con những cách để khai thác động lực này.
Mình hay đưa đến cho con các chương trình giáo dục về khoa học mới lạ, thú vị. Mình cũng đưa con tiếp xúc nhiều với động vật và ngành thú y. Mình đề xuất con đọc nhiều về cách chăm sóc các loại động vật. Nhờ có sự quan tâm đặc biệt mà con đọc không biết mệt mỏi nhiều sách liên quan đến khoa học mà mẹ chưa bao giờ phải nhắc nhở.
4. Giúp trẻ tìm ra niềm vui - đam mê - mục đích
Khi đứa trẻ của bạn về nhà và nói rằng, "Con vừa tìm thấy thứ mà con muốn làm mỗi ngày trong suốt cuộc đời”, thì đó là lúc bạn nên ăn mừng.
Một người thầy thông thái nói với mình rằng con đường lý tưởng của cuộc sống là vui chơi - đam mê - mục đích. Khi còn nhỏ, con người được hồn nhiên vui chơi, thử và trải nghiệm càng nhiều thứ càng tốt. Khi lớn lên, con nên được tham gia vào những thứ mà con đặc biệt thích. Khi trưởng thành, tuyệt vời nhất là con được theo đuổi đam mê của mình để đáp ứng một mục đích. Vui chơi, đam mê, mục đích sẽ luôn giữ cho chúng ta lòng nhiệt thành với tất cả những gì ta làm.
====
Life Mentor - Tư vấn giáo dục từ nền tảng gia đình