PHỤ HUYNH TRƯỜNG QUỐC TẾ CHI TIÊU CHO GIÁO DỤC THẾ NÀO?

PHỤ HUYNH TRƯỜNG QUỐC TẾ CHI TIÊU CHO GIÁO DỤC THẾ NÀO?

(Viết bởi một người giản dị nhất trong toàn bộ phụ huynh của trường quốc tế này)

Con mình đang học trường quốc tế, với mức học phí thấp hơn cả các trường tư hoành tráng, chất lượng thì mình rất rất hài lòng.

Là người làm tư vấn giáo dục, mình tự buộc bản thân phải dành nhiều thời gian quan sát, học hỏi, tìm hiểu kiến thức về giáo dục, và săm soi thật nhiều để có những trải nghiệm của các xu hướng giáo dục khác nhau.

Bằng một động cơ rất gian ác cá nhân :)) mình kết nối, giao lưu học hỏi với các phụ huynh ở trường, mình còn biết gần hết tụi trẻ con ở đây. Mình hay hỏi han, mời tụi nhỏ đến nhà chơi, đưa con đến nhà các bạn chơi…đến mức tụi nhỏ cũng nhớ mặt mình và chào hỏi râm ran khi gặp nhau.

Và sau đây là những đặc điểm của các gia đình ở ngôi trường quốc tế này. Đặc biệt là cách họ đầu tư cho giáo dục. Xin chia sẻ với các bạn.

  • Điều mình thích nhất ở ngôi trường này là cộng đồng học sinh và phụ huynh. 30% học sinh Việt Nam 70% học sinh quốc tế, với trên 30 quốc tịch, giáo viên quốc tế đa dạng và chất lượng cao. Đây là yếu tố quan trọng nhất để mình quyết định cho con theo học, sau đó mới là các yếu tố khác như chương trình học, giáo trình, cơ sở vật chất, bữa ăn…
  • Các gia đình có 100% quốc tế (cả bố và mẹ từ một nước), con lai quốc tế (ví dụ mẹ người Trung Quốc, bố người Ý), con lai Việt Nam (ví dụ mẹ người Việt Nam, bố người Úc), và gia đình 100% Việt Nam. Mình chưa từng thấy môi trường nào thú vị và phong phú như vậy, với các quốc tịch đa dạng nhất mà mình từng thấy. Mình đã đến hầu hết trường quốc tế tại Hà Nội, gặp tư vấn tuyển sinh để hỏi cho con theo học, và đều hỏi về tỉ lệ % các quốc tịch. Xin kết luận, đây là ngồi trường đa dạng và phong phú nhì (Sau Unis). Điều này làm mình cực yêu thích trường.
  • Đây là trường quốc tế với chi phí rẻ nhất tại Hà Nội, mình đã khảo sát và lập bảng so sánh. Nên các phụ huynh đều không phải gia đình siêu giàu, đại gia. Họ là người lao động bình thường như chúng ta. Cũng kinh doanh, mở shop, làm thuê cho các doanh nghiệp, làm giảng viên, làm đại sứ quán,… Nói chung đây là môi trường bình thường giản dị.
  • Có thể dễ dàng nhìn thấy hàng ngày họ lựa chọn cuộc sống giản dị bình thường thế nào. Đưa đón con bằng đi bộ, đi xe đạp cũng có, đi xe máy cũng có. Một số nhà có xe hơi nhưng đều loại bình thường, không thấy siêu xe đâu hết :)) Hay là siêu xe họ để ở nhà ??? :))
  • Trẻ con và cả bố mẹ đều không thấy “hàng hiệu”. Họ ăn mặc kiểu “Nhật Bản” ấy. Tức là đi giày bệt, quần áo màu trầm, rộng rãi thoải mái, túi vải yêu môi trường, không thấy ai trang điểm, không thấy ai giày túi hàng hiệu lấp lánh, không ai đeo vòng vàng to như cái xích, không thấy ai đeo chùm 50 chiếc chìa khoá ở cạp quần :)) Các thầy cô và nhân viên ở trường còn giản dị nữa. Họ ăn mặc đúng kiểu Nhật Bản, hoặc kiểu casual của Pháp, họ đi xe đạp đi làm, đeo những túi vải to tướng 
  • Đi họp phụ huynh hay đến trường xem con biểu diễn cũng rất thích. Các phụ huynh lịch sự, văn minh, dễ kết nối. Không thấy hội phụ huynh đâu :)) Không bao giờ thấy ai tranh cãi, xung đột với ai về chuyện con cái cả. Không lập nhóm, không bè phái, không thì thầm nói về người khác khi họ không có mặt. Chỉ toàn xin số của nhau để đưa con đến nhà nhau chơi.
  • Mình cũng đến nhiều nhà chơi, họ tự chăm con. Không thuê người giúp việc (trừ một số nhà có con baby quá nhỏ).

Nói dài dòng là để thấy họ sống cuộc đời bình thường giản dị vô cùng. Đến nhà thì đồ đạc tối giản, thậm chí bừa bộn đặc trưng của gia đình có những đứa con nhỏ quậy như điên. Chắc vì thế nhà mình mới thân thiết được với họ.

======

Nhưng họ đầu tư cho giáo dục tuyệt đối. Mình cực yêu thích cách họ quan tâm và chăm chút cho giáo dục đứa trẻ. Mình mong muốn học hỏi được từ họ thật nhiều.

  • Ngoại khoá: Họ đầu tư cho con học ngoại khoá rất nhiều. Học bơi, học đàn, tập kịch, cưỡi ngựa, gymastics, bắn cung, leo núi, vẽ, lắp robot… Vì tụi nhỏ không nói được Tiếng Việt, nên họ hay đăng ký với giáo viên nước ngoài, lớp học cộng đồng của trường Unis, hoặc thuê gia sư riêng. Những chi phí này khá đắt đỏ, cộng lại chắc bằng nửa học phí tại trường.
  • App học tập: Có bao nhiêu app học tập nổi tiếng trên thị trường Việt Nam, họ cũng biết và cũng có sử dụng hết. Từ Epic, IXL, Duolingo, Simply Piano….họ cũng đều có. Ngoài ra còn mấy chục loại app khác nữa phổ biến ở thị trường nước ngoài, họ cũng sử dụng. Vì sao mình biết? Khi đến chơi nhà, mình hay nói chuyện học hành của con cái với họ, thế rồi hai phụ huynh lôi máy điện thoại ra giới thiệu cho nhau các app đang dùng cho con. Rồi người này giới thiệu người kia trong cộng đồng phụ huynh của trường. Thế là lan toả mấy chục loại app học tập, mấy trăm kênh YouTube học tập với nhau.
  • Đa ngôn ngữ từ nhỏ. Đặc biệt các gia đình lai (ví dụ: mẹ Trung Quốc, bố người Ý) thì thường trẻ con sẽ nói tiếng Ý của bố, tiếng Trung Quốc của mẹ, và Tiếng Anh. Sau đó trẻ sẽ học thêm 1 ngoại ngữ ở trường (Vd: hiện nay trường đang dạy Tiếng Pháp). Vậy là ít nhất trẻ nói 4 ngôn ngữ. Không biết sau này còn học thêm gì nữa không.
  • Tập trung vào học thuật. Khác với những lầm tưởng về giáo dục quốc tế chỉ chơi chơi nhẹ nhàng, học dốt hơn trẻ con VN, trẻ con trường này cũng chia làm 2 xu hướng.

(1) Học hành vừa phải, điểm số ít quan trọng, tập trung nhiều vào kỹ năng. Một phần lý do là điểm số không được ghi nhận vào học bạ cho đến tận hết lớp 8. Vì thế, họ không bị áp lực ngắn hạn phải học theo cường độ cao để có bảng điểm đẹp. Họ cho con đi học thêm nhiều kỹ năng. Bố mẹ cũng dành nhiều thời gian dạy con các kỹ năng, và trải nghiệm.

(2) Học thuật ở mức độ cao. Đặc biệt với những bạn năng lực học vượt trội (như bạn thần đồng Jenny). VD: Bạn Jenny lớp 4 nhưng đã có thể học kiến thức lớp 6-7-8. Gia đình bạn đầu tư cho bạn cả kính thiên văn, thiết bị thí nghiệm, máy làm gốm, mua cả núi sách tài liệu, chương trình học online… để bạn học đến hết tiềm năng của bạn.

Dù theo xu hướng nào, thì cũng đều theo năng lực và xu hướng của đứa trẻ.

  • Trại hè: Không thấy có gia đình nào gửi con đi trại hè. Không rõ nguyên nhân. Nhưng có thể do tụi trẻ con còn bé (cấp 1) nên chưa gửi đi trại hè nào. Nhà mình thì dù con có lớn hơn cũng không cho đi trại hè. Một phần vì con không nói ngôn ngữ như các bạn, một phần vì mình thấy trại hè (du lịch mùa hè) mình tự tạo cho các con chất lượng và chi phí tốt hơn nhiều.
  • Trải nghiệm quốc tế: Đặc điểm các gia đình quốc tế là họ rong ruổi từ nước này qua nước khác. Công việc bố mẹ thay đổi đến đâu thì con đi theo đến đó. Vài tháng lại thấy con mình về báo tin: bạn Juna sắp đi Mexico, bạn Meiki sắp về Nhật, bạn Jayden sắp sang Phần Lan….Ngày mai là buổi học cuối bọn con chia tay bạn. Rồi vài tháng lại thấy đón bạn mới vào lớp, đến từ Lybia, Israel, India, Canada, France… Tụi trẻ con cũng liên tục chuyển môi trường mới, chắc đã quen nên chỉ thấy vài hôm là các bạn chơi được thân thiết với nhau.
  • Du lịch: Các gia đình di chuyển ra quốc tế thường sẽ có xu hướng dũng cảm, dấn thân, chấp nhận thử thách, phóng khoáng, dễ kết bạn, yêu thích trải nghiệm, khám phá, du lịch. Một năm có 4 kỳ nghỉ Xuân, hạ, thu, đông/ giáng sinh họ đều tha lôi nhau đi du lịch. Mình hỏi chuyện thì họ đã đi khắp nơi ở VN rồi. Cứ sắp đến kỳ nghỉ là mấy đứa trẻ con lại kháo nhau xem bạn này sắp đi đâu, bạn kia sắp đi đâu. Con mình về nhà bảo, bạn Heydi sang tuần đi Hawaii, bạn Sunny sẽ đi London đấy, bạn Alanz về Đức, bạn Elizabeth sắp đi Thái Lan… Râm ran cả lên. Họ coi việc đi trải nghiệm thế giới (worldschooling) là một hoạt động quan trọng trong giáo dục con, giúp con tiếp xúc với thế giới thực, và học hỏi từ đó nhiều hơn sách vở.
  • Mạng lưới & quan hệ: Nhiều gia đình chăm chỉ cho con kết bạn, giữ mối quan hệ với đồng hương (cộng đồng người Ý, cộng đồng người Nhật…). Trẻ con liên tục tham gia playdate (hẹn hò chơi với nhau). Họ cũng đưa trẻ đến nhiều hoạt động cộng đồng (trong trường Unis, Đại sứ quán, các chương trình giáng sinh, năm mới của cộng đồng Expat…). Các hoạt động của cha mẹ luôn thấy dắt theo một vài cái đuôi. Trẻ con được tham gia hoạt động cộng đồng cùng người lớn từ bé, rất nhanh nhẹn, vui vẻ, tự tin, khoẻ mạnh, và giao tiếp tốt.
  • Du học: Dù con mình còn cấp 1, nhưng nhiều phụ huynh khác đã có con lớn học cấp 3 và chuẩn bị vào đại học. Họ cũng chia sẻ nhiều hướng đi rất đáng học hỏi. VD: Bỏ ngang cấp 3 và học luôn Foundation của các trường ĐH Quốc tế luôn. VD: Về nước học ĐH, vì đã qua 18 tuổi có thể ở riêng, vay tiền chính phủ đi học, với học phí rẻ và được ưu đãi (như Châu Âu). VD: Tham gia các chương trình exchange, trao đổi trước khi vào ĐH….
  • Mình hiểu là họ đầu tư đều từ lớp 1 đến ĐH. Vì giai đoạn nào cũng quan trọng đối với việc phát triển con người. Họ cũng rất thực dụng, tính toán lộ trình chắc chắn. Họ không có một con đường duy nhất như chúng ta thường thấy là phải học hết cấp 3, có bằng tốt nghiệp, rồi thi hoặc apply du học, phải giành học bổng....

======

Có thể tạm kết luận, họ chọn cuộc sống giản dị, không chi nhiều cho hình thức và vật chất. Nhưng đầu tư rất lớn vào học tập và trải nghiệm.

Mình tin rằng việc đầu tư vào giáo dục là sự chuẩn bị tốt nhất cho một tương lai toàn cầu hóa. Vì bản thân họ đã rong ruổi khắp thế giới, thì con họ cũng cần có tố chất của một công dân toàn cầu thôi.

(Lưu ý: toàn bộ tên, các quốc tịch, các câu chuyện đều đã được điều chỉnh để mang tính ẩn danh).

======

Life Mentor - Tư vấn giáo dục từ nền tảng gia đình

← Bài trước Bài sau →