Đã có thời, phụ huynh đi thăm trường phải ngắm nghía rất kỹ cơ sở vật chất: nhà vệ sinh, sân chơi, phòng thể thao, phòng học, ánh sáng, đồ chơi cũ hay mới, bàn ghế xiên vẹo hay không….. và coi đó là những tiêu chí quan trọng.
Nhưng mấy chục năm trôi qua, các trường công bây giờ cũng đã được xây mới theo thiết kế hiện đại sang chảnh nhất, sân thể thao rộng chứa được dân số cả quận, phòng học còn thơm mùi bàn ghế mới, máy chiếu, điều hoà lắp kín cả phòng….Các trường tư nhiều khi cũng lép vế vì trường không đủ to đẹp bằng.
Giờ thì phụ huynh cũng đã rất “tỉnh”. Họ có xu hướng chọn trường dựa trên các yếu tố mềm. Chương trình, chứng nhận, dịch vụ đi kèm, cách ứng xử, đặc biệt là giáo viên, ban giám hiệu và cộng đồng bạn bè, cộng đồng phụ huynh xung quanh. Thậm chí bác bảo vệ cáu kỉnh cũng là một nguyên nhân phụ huynh quay xe, và nhà trường mất học sinh.
Giờ thì chúng ta hãy đào sâu vào tiêu đề bài viết. Phụ huynh mong đợi một đội ngũ giáo viên như thế nào nhé.
(Giới hạn: Bài này tập trung vào khu vực trường tư và quốc tế. Chỉ có khối tư nhân thì phụ huynh mới kì vọng và đòi hỏi lắm thứ).
======
Profile giáo viên? Bí mật hay công khai?
- Ở ngôi trường đầu tiên của con (trường tư), mình hỏi xin profile của giáo viên sẽ dạy con. Nhưng “nhà trường không thể cung cấp được, khi con đăng ký vào học, chúng tôi sẽ gửi cho phụ huynh hồ sơ giáo viên”.
- Tất nhiên là mình không hài lòng với câu trả lời đó. Ngôi trường chỉ là cái vỏ, người trực tiếp giáo dục trẻ con là cốt lõi. Phụ huynh luôn mong muốn biết ai sẽ trực tiếp dạy con mình là ai, năng lực thế nào.
- Cuối cùng thì mình cũng đăng ký cho con vào học, đến lúc hỏi profile giáo viên vẫn mãi chẳng thấy đâu.
- Khi mình chuyển con sang trường hiện nay, thấy profile giáo viên dán ngay trước cửa mỗi lớp. Chỉ có nửa trang A4 thôi, nhưng có ảnh cô, được dán nghiêm chỉnh ở bảng tin nhỏ ngay cửa lớp. Giới thiệu là cô tốt nghiệp trường nào, bao nhiêu năm kinh nghiệm, đã dạy ở những đâu, cô giỏi môn gì, câu phát biểu của cô về cách tiếp cận với trẻ con thế nào. Phụ huynh đọc được luôn, không phải hỏi. Yên tâm là con sẽ được học với ai, mình sẽ trò chuyện và liên hệ với giáo viên trực tiếp luôn.
- Không có quy định nào bắt nhà trường phải công bố danh tính và hồ sơ giáo viên. Nhưng phụ huynh có mong đợi được biết, nhà trường tiết lộ được bao nhiêu sẽ tạo dựng được lòng tin đến đó.
=====
Giáo viên phải có năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm xuất sắc
- Phụ huynh ngày càng quan tâm đến phương pháp giảng dạy hiện đại thay vì chỉ đánh giá giáo viên qua bằng cấp.
- Họ mong đợi: Giáo viên không chỉ giỏi về kiến thức mà còn biết cách ứng dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến như học tập dựa trên dự án (Project-based Learning), giáo dục cá nhân hóa (Personalized Learning), và học tập chủ động (Active Learning).
- Giờ phụ huynh thông thái lắm rồi, họ biết hết những phương pháp giảng dạy hiện đại. Ở ngôi trường đầu tiên của con mình, trong buổi họp phụ huynh, mình thấy nhiều người còn “nắn chỉnh” cách giáo viên giảng dạy. Họ quá giỏi, quá thành đạt trong xã hội nên họ còn đề nghị “phụ huynh chung tay” để tổ chức hoạt động học tập và hỗ trợ quản lý của nhà trường nữa cơ. Đấy, giỏi quá nên cũng hơi lấn sân.
- Họ muốn giáo viên có khả năng làm chủ công nghệ giáo dục, sử dụng các công cụ kỹ thuật số để nâng cao trải nghiệm học tập cho học sinh. Chứ chỉ trình chiếu slide, với cho trẻ con xem video họ cũng chê.
- Họ muốn giáo viên biết cách khơi dậy niềm đam mê học tập, giúp học sinh phát triển tư duy phản biện và sáng tạo thay vì học vẹt. Trẻ con học chậm, học kém thì trách nhiệm nằm ở người dạy. Giáo viên cũng hơi khổ đoạn này, vì trẻ con học kém thì cũng chậm hơn, cần nhiều thời gian hơn, giáo viên phải vất vả hơn.
=====
Giáo viên phải hiểu và kết nối tốt với học sinh
- Một giáo viên giỏi không chỉ dạy giỏi mà còn phải có EQ cao, biết cách tạo ra môi trường học tập an toàn, thân thiện và truyền động lực cho học sinh. Phụ huynh mong muốn giáo viên có khả năng thấu hiểu tâm lý trẻ, hỗ trợ học sinh cả về mặt học thuật lẫn cảm xúc.
- Họ muốn giáo viên tôn trọng sự khác biệt cá nhân, không áp đặt một phương pháp duy nhất mà phải điều chỉnh cách giảng dạy để phù hợp với từng học sinh.
=======
Giáo viên phải có kỹ năng giao tiếp và hợp tác với phụ huynh
- Khác hẳn với những trải nghiệm mà chúng ta ngày xưa đã từng theo học, nơi giáo viên có quyền lực tối cao ở trường. Trẻ con nể sợ giáo viên, các bà còn rất hay đem cô giáo ra doạ để trẻ con ngoan hơn. Phụ huynh cũng dè chừng giáo viên một phần mà không dám đòi hỏi gì quá.
- Ngày nay, mối quan hệ giữa nhà trường – giáo viên – phụ huynh ngang hàng hơn. Trong một số trường hợp, mối quan hệ này trở thành “dịch vụ” nơi mà phụ huynh đòi hỏi quá đáng, “bắt nạt” cô giáo. Những trường hợp này thật không thể bênh nổi.
- Giá mà ngôi trường nào cũng dễ thương như nơi hai đứa trẻ nhà mình theo học. Nhà trường - giáo viên - phụ huynh luôn thân thiết, quý mến nhau. Cả hai bên trao đổi lịch sự, hỗ trợ lẫn nhau vì mục đích tốt nhất cho đứa trẻ. Hai bạn đến trường là gõ cửa vào phòng hiệu trưởng để chào cô, khoe cô mấy quyển sách. Có hôm còn nói “Chào cô Hellen, cái váy của cô hôm nay đẹp quá.” Nhìn tụi nhỏ trò chuyện tự nhiên với các thầy cô, mình hiểu là tình cảm của tụi nó với nhà trường rất tốt đẹp.
- Đa phần, phụ huynh mong đợi giáo viên chủ động cập nhật tình hình học tập và phát triển của con, qua các kênh trao đổi riêng mà không bị giám sát, cản trở, không phải lập group riêng chỉ có 8 người mà không có 2 người…. Họ cũng mong đợi ngoài báo cáo tình hình con qua sổ liên lạc, họ cũng dễ dàng gặp gỡ hoặc trao đổi trực tiếp.
- Với nhà mình, ngày nào cũng dành 3 phút mỗi ngày trò chuyện với giáo viên, nhân viên nhà trường, để kết thân, nắm tình hình của con, và cả hai cùng chung mục đích hỗ trợ con.
- Phụ huynh muốn được lắng nghe, được tôn trọng và có cơ hội đóng góp vào các hoạt động giáo dục. Họ muốn giáo viên điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của họ và con (cá nhân hoá). Dù là rất khó để giáo viên điều chỉnh, nhưng đây là mong muốn của họ mà.
======
Giáo viên cần trang bị tư duy giáo dục hiện đại và linh hoạt
Trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, giáo viên không thể mãi đi theo những phương pháp giảng dạy cũ (đọc và chép). Phụ huynh kỳ vọng:
- Giáo viên liên tục học hỏi và cập nhật kiến thức mới, được đào tạo chuyên môn liên tục, và đổi mới phương pháp giảng dạy. Mặc dù nhà trường cập nhật thông tin là giáo viên đi đào tạo này nọ, họ chẳng quan tâm đâu, nhưng họ lại quan tâm nếu như giáo viên không cập nhật AI, thiết kế, video, kiến thức mới.
- Có tư duy mở, sẵn sàng thử nghiệm những phương pháp giáo dục sáng tạo, kết hợp nhiều phong cách học tập để phù hợp với sự đa dạng của học sinh. Đặc biệt những trường nhiều học sinh quốc tế với nền tảng văn hoá khác nhau như trường bọn trẻ con nhà mình, có cảm nhận là giáo viên phải rất “cứng tay”. Vừa giỏi chuyên môn, vừa nhạy cảm văn hoá, vừa bao dung vô tận, mới có thể dạy dỗ được những đứa trẻ ở 30 quốc tịch khác nhau.
=====
Ái chà, nhiều đòi hỏi khó quá vậy? Tìm đâu ra giáo viên toàn năng như vậy đây?
Tất nhiên là có thể có, có thể không. Phụ huynh thì cứ kì vọng thôi, và họ sẽ tiếp tục tìm kiếm, tiếp tục đọc review, tiếp tục xem nơi nào có những giáo viên tận tuỵ như vậy để gửi con đến.
======
Việc chọn trường ngày nay không đơn thuần chỉ là chọn một ngôi trường đẹp hay có danh tiếng, mà cốt lõi là chọn một đội ngũ giáo viên có tâm, có tầm.
Trẻ con ở trường với cô giáo gần 8 tiếng/ngày, phụ huynh thực chất đang tìm kiếm những người có tư duy, nhân cách và thái độ sống tích cực, lại công thêm “võ công” chuyên môn vững chắc nữa. Để giúp họ gánh bớt sức nặng của việc giáo dục một con người.
======
Life Mentor - Tư vấn giáo dục từ nền tảng gia đình