NGỒI CẠNH ĐỨA MẤT TẬP TRUNG LÀM MÌNH CŨNG MẤT TẬP TRUNG

NGỒI CẠNH ĐỨA MẤT TẬP TRUNG LÀM MÌNH CŨNG MẤT TẬP TRUNG

Tôi hay lân la đọc các bài báo khoa học ngành tâm lý và giáo dục, rồi rút ra những kết luận để học tập, làm việc và nuôi dạy con hiệu quả hơn. Và thỉnh thoảng chia sẻ với các bạn cho zui. 

Càng ngày chúng ta càng nói nhiều về chuyện “con em không tập trung học” quá. Nên hôm nay tôi có nghiên cứu này để phục vụ các bạn đây. 

Năm 2024, ông Noah D. Forrin và cộng sự đã có nghiên cứu, vì mấy ông ý thắc mắc là “Sự chú ý/ tập trung có lây lan không?”(Investigating Attention Contagion Between Students in a Lecture Hall). 

Và tìm ra một số kết luận giật gân như sau: 

Không chú ý lan truyền mạnh hơn chú ý
  • Khi ngồi gần những thằng không tập trung, học viên có xu hướng cũng mất tập trung theo. Kiểu như, đứa bên cạnh ngáp mình cũng ngáp. Đứa bên cạnh mắt lờ đờ nhìn mây bay, mình cũng không học được. Đứa bên cạnh buôn chuyện mình cũng hóng theo. 
  • Không chú ý ảnh hưởng tiêu cực đến việc ghi chép và kết quả học tập. Cái này lại đúng quá cơ. Đã không chú ý thì ghi chép gì nữa, kết quả học tập tậm tịt là đúng rồi. 

Ảnh hưởng của vị trí ngồi trong lớp
  • Người ngồi giữa những thằng không chú ý thường giảm tập trung. Vây xung quanh là nhiều thằng buôn chuyện thì mình cũng buôn xuyên biên giới luôn. 
  • Chú ý không chỉ là yếu tố cá nhân mà còn bị tác động bởi môi trường xung quanh. Lớp nào mà cả lớp sao nhãng lờ đờ thì một cá nhân dễ bị ảnh hưởng. 

Vậy ứng dụng trong giáo dục trẻ con thế nào? 

1. Chọn vị trí ngồi chiến lược
  • Đặt đứa trẻ ngồi gần những bạn chăm chú và tích cực học tập. Tránh xa xa những bạn buôn chuyện, ngủ gật lờ đờ. Các phụ huynh VN nhà tôi biết thừa. Cần gì đến các nhà khoa học phải chứng minh. Phụ huynh VN nhà tôi toàn đấu tranh để cho con vào lớp chọn, trường chuyên, nhằm tìm kiếm những bạn học hành nghiêm túc. 
  • Tránh ngồi cạnh những bạn hay mất tập trung, nghịch điện thoại hoặc làm việc riêng. Phụ huynh chọn trường, chọn lớp. Rồi còn xin cô cho ngồi ở vị trí nào, cạnh bạn nào nữa cơ. Làm cô giáo đau cả đầu vì phải đảo vị trí trong lớp. Phụ huynh VN còn giỏi hơn cả nhà khoa học nhé. 

2. Tạo môi trường học tập tích cực
  • Ở nhà, bố trí góc học tập yên tĩnh, tránh xa TV, điện thoại và các yếu tố gây xao nhãng. Nhiều nhà ở VN, giờ học bài là giờ thiêng của cả nhà. Không ai được vo ve một tiếng động nào. Chưa cần đến nghiên cứu khoa học tôi cũng biết. 

3. Khuyến khích học tập theo nhóm tích cực
  • Học nhóm với những bạn có ý thức học tập tốt có thể giúp trẻ duy trì sự chú ý lâu hơn.
  • Nếu trẻ dễ bị mất tập trung, phụ huynh có thể giúp con tạo nhóm học với các bạn có tinh thần học tập tốt hơn.
  • Phụ huynh VN nhà mình nhìn người giỏi lắm, thấy bạn nào láo nháo là can thiệp ngay. Bạn nào học hành giỏi giang, chăm chỉ thì auto có các bạn khác, gia đình khác muốn giao lưu cùng. 

4. Giáo viên cần xây dựng tiết học theo mục tiêu tập trung hay tương tác 
  • Nếu giờ học thiết kế kiểu tương tác, giáo viên sẽ có các trò sôi động, mang tính cạnh tranh, hoạt náo, đảm bảo ai cũng được tham gia. 
  • Nếu giờ học thiết kế kiểu tập trung, giáo viên cần đưa ra các hoạt động nhóm nhỏ, phải tư duy, đóng góp ý kiến trong nhóm. 
  • Giáo viên cần sử dụng công cụ hình ảnh, video, câu chuyện thực tế để tăng hứng thú học tập cho trẻ. 
Đấy, mỗi thế mà bày đặt nghiên cứu phức tạp. 
=====
Life Mentor - Tư vấn giáo dục từ nền tảng gia đình
← Bài trước Bài sau →