Một hôm, mình ngồi trong nhà ăn sinh viên tại trường ĐH ở Trung Quốc, thấy xung quanh khoảng hơn 100 con người đều vừa ăn vừa cắm mặt vào điện thoại. Có những cặp đôi đi cạnh nhau, mà 2 người 2 cái điện thoại để trên bàn, xem video. Không nói với nhau một lời. Căn phòng lớn chứa hơn 100 người mà chỉ thấy tiếng nheo nhéo của video. Có những bà mẹ đưa con đi ăn, cũng cầm thìa bón cho đứa trẻ, mắt đứa trẻ không rời khỏi màn hình.
Chê. Chê nha. Trung Quốc như vậy là tương lai cắm đầu xuống đất nha.
======
Nhưng quay lại nhìn VN mình cũng không khác mấy đâu. Chỉ là ở Trung Quốc mọi thứ đều được phóng đại và cực đoạn ở mức độ cao hơn thôi.
Thế là mình về tìm được một nghiên cứu này. From Screens to Sunshine: Rescuing Children’s Outdoor Playtime in the Digital Era (2024) (Từ màn hình ra ngoài ánh nắng: Cứu vãn hoạt động vui chơi ngoài trời của trẻ trong kỷ nguyên số). Nghe là đã thấy có hương vị giải cứu thế giới rồi.
Một số kết luận chính của nghiên cứu:
1. Thời gian chơi ngoài trời giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ con
- Rất nhiều vấn đề sức khỏe như béo phì, rối loạn giấc ngủ, suy giảm thị lực và thiếu hụt vitamin D do ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
- Tăng nguy cơ lo âu, trầm cảm, giảm khả năng tự kiểm soát cảm xúc, khó hòa nhập xã hội và suy giảm kỹ năng giải quyết vấn đề.
- Trẻ dành quá nhiều thời gian trên màn hình có thể dẫn đến hành vi giống ADHD và giảm sự phát triển nhận thức, đặc biệt là trong những năm đầu đời.
2. Nhất định phải khôi phục việc chơi ngoài trời cho trẻ con “như ngày xưa”
- Chơi ngoài trời giúp trẻ con khoẻ hơn, phát triển kỹ năng vận động và tăng khả năng miễn dịch. 30’ cũng được, phải cho vận động và chơi dưới ánh nắng.
- Trẻ có cơ hội khám phá, phát triển tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề và học cách tương tác xã hội hiệu quả hơn.
- Tiếp xúc với thiên nhiên giúp trẻ giảm căng thẳng, nâng cao khả năng tập trung .
3. Có công nghệ nhưng vẫn phải cân bằng với chơi ngoài trời
- Cần có sự phối hợp giữa cha mẹ, nhà trường, cộng đồng và chính sách xã hội để khuyến khích trẻ tham gia nhiều hoạt động ngoài trời hơn. Chứ ở nhà cha mẹ đã cắt giảm thời gian chơi, ở trường thì giờ chơi lại cắt ngắn, công viên bị chiếm dụng để bán kẹo đường và bóng bay xanh đỏ, các thiết bị vui chơi bị hỏng hóc hoen rỉ, chính sách cũng chẳng có. Thì trẻ con muốn chơi cũng chẳng có chỗ mà chơi.
- Thiết lập môi trường an toàn và thân thiện để trẻ có thể vui chơi mà không gặp nguy hiểm. Hãy đến sở thú Hà Nội để xem không gian chơi của trẻ con bị chiếm dụng đến thế nào.
======
Gợi ý thực hành trong giáo dục trẻ em
Giờ có kết quả nghiên cứu rồi, chúng ta cùng thử suy luận xem, có thể áp dụng thế nào vào việc giáo dục tụi trẻ con nhé.
1. Cha mẹ cũng ra ngoài vận động, thể thao, đi du lịch (làm gương) và đưa trẻ con theo
- Giới hạn thời gian sử dụng thiết bị: Một ngày chỉ được xem 30’ -60’ thôi. Rồi cùng nhau ra ngoài công viên nhặt lá, bắt sâu.
- Tạo thói quen gia đình gắn kết với thiên nhiên: Cuối tuần đưa nhau về nông thôn, đi dã ngoại, cắm trại. Đi du lịch thì tìm về chỗ thiên nhiên.
- Đăng ký cho trẻ vào các lớp thể thao, nghệ thuật hoặc các hoạt động cộng đồng ngoài trời. Các hoạt động này cũng có dạy “trong nhà” nhưng hãy ưu tiên lớp học ngoài trời.
2. Giáo dục tích hợp thiên nhiên trong chương trình học
- Tăng cường các bài học ngoài trời: Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào thiết kế buổi học của giáo viên. Thay vì xem động vật trong tranh, thì dắt tay nhau ra công viên, tìm động vật, tìm lá cây. Cách này thật sự rất vất vả. Tôi làm rồi, tôi biết. Mệt phát ớn luôn. Nhưng có lợi cho trẻ nên vẫn phải làm.
- Kết hợp khoa học, nghệ thuật và giáo dục thể chất với hoạt động thiên nhiên: Ví dụ, học về hệ sinh thái qua việc trồng cây, sáng tạo nghệ thuật ngoài trời, hoặc tổ chức các bài tập vận động ngoài trời.
3. Khu vui chơi ngoài trời cho trẻ phải hấp dẫn và an toàn
- Thiết kế không gian vui chơi an toàn trong khu dân cư, trường học và cộng đồng: Ở Phần Lan, cứ 1 cụm dân cư là phải có 1 sân chơi nhỏ cho trẻ con. Tính ra cứ khoảng 200 mét có 1 sân chơi.
- Tăng cường sự an toàn: Thiết bị đồ chơi phải an toàn. Ví dụ đống cát trẻ em đang đào không được có kim loại, gạch đá sắc nhọn. Ví dụ các thiết bị vận động phải mới và chắc chắn, không được long ốc, gãy, lộ ra mấy cái đinh nhọn hoắt…
4. Giảm sự phụ thuộc vào công nghệ trong cuộc sống hàng ngày của trẻ
- Thiết lập “giờ không màn hình”: hãy viết ra quy định trong nhà, chẳng hạn không sử dụng màn hình vào khung giờ bữa ăn, trước khi đi ngủ hoặc vào cuối tuần.
- Cha mẹ tham gia cùng con vào các hoạt động không màn hình như: Như đọc sách, vẽ tranh, làm đồ thủ công hoặc các trò chơi trí tuệ (board games)
5. Tham gia nhiều các hoạt động ngoài trời do nhà trường và cộng đồng tổ chức
- Các sự kiện ngoài trời trong cộng đồng: Như hội chợ, ngày hội thể thao, hoặc các chương trình giáo dục thiên nhiên cho trẻ. Cứ thấy có hoạt động ngoài trời là xách mông đến luôn.
- Phát triển chính sách hỗ trợ từ chính quyền địa phương: Kêu gào đòi địa phương đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, sân chơi công cộng và các chương trình giáo dục ngoài trời.
======
Kết luận:
Công nghệ “tự nhiên” xuất hiện trên bàn tay trẻ (ở lứa tuổi ngày một nhỏ hơn) đã làm mất đi một phần tuổi thơ gắn liền với thiên nhiên.
Khi bạn thấy những đứa trẻ đờ đẫn nhìn vào màn hình mỗi ngày, bạn hãy hình dung con mình sau này sẽ lớn lên với những bạn bè như vậy, yêu một người như vậy, học cùng, làm cùng những người như vậy. Và mấy tật này có tính lây lan nhanh. Bạn sẽ thấy “đáng sợ” và không thể lặng im.
========
Life Mentor - Tư vấn giáo dục từ nền tảng gia đình