CHỌN TRƯỜNG THẾ NÀO KHI NỘP HỒ SƠ ĐẠI HỌC CHÂU ÂU (1)

CHỌN TRƯỜNG THẾ NÀO KHI NỘP HỒ SƠ ĐẠI HỌC CHÂU ÂU (1)

Đợt này mình đang hỗ trợ nhiều bạn nộp hồ sơ du học tại Châu Âu, mình xin chia sẻ một số phân tích này để các cha mẹ có mong muốn gửi con đi Châu Âu hãy nghiên cứu kỹ nhé. 

1. Nộp hồ sơ vào đại học là rất quan trọng, đây là bước chọn ngành nghề để theo đuổi dài lâu trong tương lai. Đời người chỉ nộp vào ĐH có 1-2 lần chứ mấy. Chọn đúng sẽ đem đến kết quả hài lòng, chọn sai thì vừa mất thời gian mấy năm, vừa tốn tiền, lại cực kì mất nhiệt huyết. 

2. Việc nộp hồ sơ vào 1 trường, không chỉ đòi hỏi thông tin đúng (từ website trường) mà còn cần năng lực phân tích, so sánh, hiểu biết về hệ thống giáo dục, và cả những kinh nghiệm của những người đi trước. Vì thế, bạn mới quan tâm đến những bài thế này để cóp nhặt thêm nhiều kinh nghiệm (của người khác). 

3. Hãy chọn đất nước con muốn sống. 

Phụ huynh đến gặp cô Mai và thường đặt hàng “Con muốn đi Châu Âu, học ngành A, học bằng Tiếng Anh”. Còn lại thì…đấy, cô Mai xử lý tiếp đi. 

Châu Âu rất rộng lớn. Mỗi quốc gia lại có ngôn ngữ riêng, văn hoá riêng, thời tiết khí hậu cũng khác nhau…. Có quá nhiều lựa chọn cũng là một nỗi đau đầu lớn. Có thể ban đầu gia đình lựa chọn chỉ là cảm giác thích UK hơn, mê Hà Lan hơn, thấy không ưa mấy ông người Ý lắm, không quen lắm với văn hoá Hy Lạp, nghe nói người Na Uy lạnh lùng lắm… Tất cả những lựa chọn cảm tính và “nghe nói” đó hãy tạm gác lại để nắm bắt những thông tin chính thống. 

4. Chọn theo ngôn ngữ?

Nếu con bạn học tiếng bản địa của một đất nước thì rất dễ lựa chọn. Ví dụ: con học Tiếng Đức thì thường đi Đức, Áo, Thuỵ Sĩ. Con học Tiếng Pháp thì thường đi Pháp, Bỉ. Con học Tiếng Ý thì đi Ý. Học tiếng Tây Ba Nha thì đi TBN hoặc sang Nam Mỹ. Nhưng nếu con học Tiếng Anh thì rất nhiều lựa chọn. 

Con bạn chỉ nói Tiếng Anh? Đó là yêu cầu tối thiểu, chứ không có gì là lợi thế ở Châu Âu cả. Trẻ con Châu Âu được học 3-4 ngôn ngữ ngay từ trường phổ thông. Tiếng Anh gần như là ngôn ngữ bắt buộc phổ biến. Đứa trẻ cấp 1 cũng nói leo lẻo. Đặc biệt với những đất nước nhập cư lớn thì đa phần chấp nhận Tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức. Vì vậy, con có Tiếng Anh sẽ thuận lợi khi học tập, sinh sống tại Châu Âu, nhưng lại không có lợi thế khi tìm việc hoặc thực tập. 

5. Chọn theo vùng khí hậu?

Châu Âu trải dài từ vùng lạnh mùa đông -20 độ (Phần Lan, Na Uy…) cho đến vùng nóng bỏng da mùa hè 40 độ (Hy Lạp, Ý…). Nếu các thanh niên Việt Nam chưa quen chịu lạnh, hoặc khó chịu nóng khắc nghiệt thì cần phải luyện tập, hoặc tránh các vùng khắc nghiệt này ra. 


6. Chọn theo đất nước có nhiều người Việt sinh sống
Rất nhiều gia đình mong muốn sống trong cộng đồng người Việt, để dễ dàng ăn món Việt Nam, giao lưu với cộng đồng Việt Nam. Khi đó hãy chọn những đất nước là thị trường du học phổ biến, truyền thống như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan…

Nhưng rất nhiều gia đình lựa chọn đến đất nước ít người Việt. Có rất nhiều đất nước chưa phổ biến với người Việt Nam như Luxemburg, Bồ Đào Nha, Ý, Hy Lạp, Estonia…

Cha mẹ cần giúp con khoanh vùng những ưu tiên của mình trước sau đó mới lựa chọn và đào sâu vào các trường tại mỗi quốc gia.

Mình đã từng thấy rất nhiều trường hợp các con chọn 1 trường ở Hà Lan, 2 trường ở Bỉ, 1 trường ở Phần Lan, 1 trường ở Đức… Chọn khoảng 10 trường ghim ở 10 địa điểm tỏa khắp Châu Âu luôn. Trông thì có vẻ giống như tăng thêm cơ hội, thật ra khối lượng công việc phải chuẩn bị vất vả hơn rất nhiều. 
=====
Life Mentor - Tư vấn giáo dục từ nền tảng gia đình 
← Bài trước Bài sau →