Một ngày nọ mình đưa con đến lớp, thấy thầy Dave đang trách phạt một bạn nam cùng lớp. (Hãy gọi bạn là Liam).
Nhưng cách phạt của thầy khiến mình khâm phục, và phải mang lên mạng chia sẻ câu chuyện để nhân rộng mô hình.
- Thầy đưa bạn Liam ra ngoài cửa lớp, đóng cửa lại và nói chuyện riêng bên ngoài. Các bạn trong lớp vẫn được cô trợ giảng cho học bình thường.
- Thấy bạn Vivi nhà mình, thầy chào: “Chào Vivi, mời em vào lớp.”
- Thầy đợi Vivi vào lớp, đóng cửa lại, đảm bảo bên trong không nghe thấy thầy đang trách phạt bạn Liam.
- Thầy ngồi xuống, nhìn vào Liam, thầy nói chậm rãi, bình tĩnh, tay cầm lấy tay Liam
- Bạn Liam gật gật đầu, rồi hai thầy trò bắt tay nhau kiểu “chốt deal” của hai người đàn ông. Rồi cả hai lại vào lớp.
Tất nhiên mình không nghe thấy cụ thể hai thầy trò nói gì, mình đứng từ xa quan sát, và mình rất mê thầy Dave.
Mình nhớ lại những “trận phạt” học sinh cá biệt mà mình đã chứng kiến suốt thời học sinh.
- Thầy cô giáo sẽ dừng toàn bộ việc học của lớp (chiếm thời gian quý giá của tất cả học sinh để mắng 1 bạn)
- Thầy/ cô sẽ bắt bạn cá biệt đứng lên tại chỗ, hoặc lên bục giảng, cúi gằm mặt, hai bàn tay xoắn vào nhau, cả lớp 50 đôi mắt mở to nhìn vào kẻ tội đồ.
- Nhiều lần các bạn nghịch quậy còn bị đưa lên sân khấu của toàn trường, để thầy cô trách tội, khoảng 1000 cặp mắt bạn bè nhìn vào. Lũ trẻ ngoan chăm học thì chán nản vì chẳng có gì thú vị, thì thầm nói chuyện riêng. Lũ trẻ nghịch quậy đồng bọn thì hí hí, cười cợt. Kẻ bị phạt nhìn tụi bạn đồng minh cười hấp háy với nhau. Được lên sân khấu của trường là một chiến công, tụi mày chưa đến lượt đâu.
- Thầy cô sẽ mắng, lúc thì nhẹ nhàng, lúc thì giận dỗi, lúc thì thậm tệ, lúc thì xỉ nhục. Mình nhớ lại, chưa bao giờ có câu nào tương tự như “Em nên làm thế này, nên cư xử thế kia. Hành động thế này mới là đúng. Cô tin tưởng vào em. Em có thể làm tốt hơn mà.”
- Sau đó thầy cô sẽ doạ là “Lần sau anh mà thế thì tôi sẽ…” hoặc là “Từ nay tôi sẽ theo dõi bạn này kỹ lưỡng….” Hoặc giao cho một bạn cán bộ lớp nào đó “theo dõi và báo cáo hành vi…của bạn này”.
- Rồi thầy cô sẽ gửi giấy về cho gia đình (hồi đó chưa có điện thoại liên hệ trực tiếp). Nhưng thầy cô không gửi cho con mang về cho bố mẹ đâu. Vì tụi nhỏ sẽ không dám đưa bố mẹ. Mà thầy cô hỏi “Có bạn nào ở gần nhà bạn A không?” Rồi cô đưa “giấy hành quyết” đó cho bạn B. Để bạn B thành cánh tay nối dài, đưa giấy cho bố mẹ bạn A.
- Rồi bạn A sẽ phải doạ, chặn đường, bắt nạt bạn B, hoặc nịnh bợ bạn B. Để bạn B phi tang cái giấy đó đi.
- Rồi bạn A phải viết bản kiểm điểm, và bắt bố mẹ ký vào. Đôi khi bạn sẽ tự ký thay bố mẹ. Sau đó bạn có thể phải nộp cho thầy cô, rồi nghe một tràng mắng trước lớp nữa, hoặc bạn sẽ phải đọc bản kiểm điểm đó trước toàn dân.
- Nói chung từ 1 quyết định thiếu EQ mà tạo ra một chuỗi hành vi xấu xí của rất nhiều người.
Quay lại với chuyện thầy Dave.
Thầy chưa bao giờ phải báo cáo những chuyện “xử tội trẻ con” vụn vặt ở trường về nhà. Mình có chơi với nhóm phụ huynh ở lớp nên biết. Tất cả những chuyện xử lý mâu thuẫn, hành vi trẻ con, thầy cô đều phải có năng lực tự xử lý chứ.
Là phụ huynh ở trường này, mình chỉ cần trò chuyện với thầy cô về chương trình học, lộ trình đường dài, cả 2 bên cùng làm gì để hỗ trợ cho đứa trẻ học tập vui vẻ và có trải nghiệm ý nghĩa hơn.
Chắc phải bất lực lắm thầy cô mới phải liên tục “mách” phụ huynh.
========
Life Mentor - Tư vấn giáo dục từ nền tảng gia đình