Các cha mẹ hiện đại đang bị ám ảnh với điểm số và thành tích học tập sớm. Họ nghĩ rằng con “chơi lăng quăng” là vô ích và xếp con vào môi trường học tập nghiêm túc từ sớm mới là hữu ích cho con.
Hai tác giả, là chuyên gia phát triển trẻ em, cho rằng trẻ em học tốt nhất thông qua chơi và khám phá, chứ không phải thông qua các buổi hướng dẫn hay đọc thẻ flashcard dài vô tận.
Cuốn sách này “giải thiêng” cho những phương pháp “học tập cấp tốc" “siêu trí tuệ” và chỉ ra cách nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc, tự tin và tò mò.
=====
Sau đây là 10 bài học từ cuốn sách khai sáng này.
1. Chơi Là Nền Tảng Của Học Tập
Chơi không phải là vô bổ, xao nhãng khỏi học tập. Chơi chính là học. Trẻ con chơi để khám phá, thử nghiệm và phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề một cách tự nhiên và thú vị, tạo nền tảng cho việc học tập suốt đời.
2. Ghi nhớ không quan trọng bằng hiểu biết
Trẻ không cần ghi nhớ và nhắc lại, đặc biệt khi trẻ còn nhỏ. Trẻ con đọc vanh vách, hoặc cộng đến 100 không có nghĩa là trẻ thực sự hiểu các khái niệm hoặc biết cộng 100 có ý nghĩa gì.
3. Tương tác xã hội rất quan trọng cho sự phát triển
Trẻ em học tập tốt nhất thông qua tương tác xã hội với bạn bè và người lớn. Cho dù là thông qua chơi, trò chuyện hay hợp tác, việc tương tác này dạy cho trẻ các kỹ năng như phản biện, giao tiếp, cảm thông và làm việc nhóm.
4. Chậm hơn sẽ tốt hơn cho tuổi thơ
Cuốn sách chống lại nền văn hóa "vội vàng" của giáo dục sớm thời thơ ấu, đẩy trẻ em phải đạt được các cột mốc nhanh nhất có thể. Trẻ em phát triển theo tốc độ riêng của mình và sự vội vàng của người lớn buộc trẻ phải có thành tích sớm, có thể cản trở việc học tự nhiên.
5. Kỹ Năng Học Thuật Không Nên Thay Thế Kỹ Năng Sống
Trẻ em ưu tiên học tập quá, sẽ đánh đổi bằng việc thiếu trải nghiệm và kỹ năng sống như sáng tạo, giải quyết vấn đề và điều chỉnh cảm xúc. Những kỹ năng nền tảng này được phát triển thông qua chơi và quan trọng hơn nhiều để thành công lâu dài.
6. Bộ não phát triển từ sự tò mò và khám phá
Trẻ em có trí tò mò tự nhiên, và não của trẻ học thông qua khám phá. Trẻ càng tò mò sẽ càng có tương tác sâu sắc hơn và yêu thích học hỏi. Phương pháp dạy học truyền thống cứng nhắc có thể hạn chế sự tò mò của trẻ. Tò mò làm gì nữa khi mà đáp án người lớn bày sẵn cho rồi.
7. Xem màn hình quá nhiều có thể gây hại
Việc trẻ xem quá nhiều trên màn hình và lịch trình kín mít của trẻ có thể lấy mất thời gian chơi tự do của trẻ. Từ đó, trẻ mất cơ hội phát triển khả năng sáng tạo và trải nghiệm cuộc sống thực.
8. Sự tương tác của cha mẹ và con cái có giá trị hơn các sản phẩm giáo dục
Trẻ em không cần đồ chơi, flashcard hoặc ứng dụng app đắt tiền để thành công. Thay vào đó, trẻ cần thời gian chất lượng với cha mẹ. Dù bất cứ hoạt động gì như đọc sách, trò chuyện hoặc chơi cùng nhau.
9. Sai lầm là cơ hội để học hỏi
Xã hội hiện đại ưu tiên kết quả, cần sự hoàn hảo. Đâu là nơi trẻ được quyền sai lầm và thử nghiệm? Đó là ở nhà. Cha mẹ hãy tận dụng sai lầm của trẻ như một cơ hội giáo dục. Thất bại giúp trẻ học hỏi, năng lực thích nghi và giải quyết vấn đề.
10. Hạnh phúc và sức khoẻ tinh thần là mục tiêu thực sự
Mục tiêu của giáo dục sớm ở trẻ không nên là thành tích học tập mà là nuôi dưỡng những đứa trẻ hạnh phúc, chỉn chu và sáng tạo, tò mò. Sức khỏe tinh thần và tình yêu học tập quan trọng hơn nhiều so với điểm số hoặc điểm kiểm tra.
=====
Trẻ em không cần phải bị áp lực vào thành tích học tập để thành công. Trẻ em cần cân bằng, được vui chơi, ưu tiên khám phá, sáng tạo.
Chúng ta cần tin tưởng khả năng học tập tự nhiên của trẻ. Thông qua chơi và để sự tò mò dẫn lối, cha mẹ có thể nuôi dạy những đứa trẻ tự tin, ham học tập, và đầy năng lực.
=====
Life Mentor - Tư vấn giáo dục từ nền tảng gia đình
Viết bình luận
Bình luận