Tại sao có những người được nhiều thầy cố vấn xịn xò? Có những người cả đời đi tìm mà chả ai giúp cho?
Tại sao nhiều người luôn nhận được sự giúp đỡ? Lại có người vấp ngã không ai thèm ra tay giúp?
Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp. Ngay và luôn nào!
-----
Những quan niệm sai lầm phổ biến về cố vấn
Hầu hết mọi người đều hiểu sai về việc cố vấn. Và họ hay hỏi “Làm thế nào bạn gặp được mentor như vậy?” “Tìm mentor ở đâu vậy ạ?” Hmmmm, rất nhiều bạn trẻ tiếp cận cố vấn sai cách. Mentor không có sẵn ở đó, để bạn nộp đơn vào như tuyển dụng đâu.
Đôi khi họ tìm kiếm những người giỏi, đáng ngưỡng mộ, và thẳng thừng đề nghị “anh làm cố vấn cho em nhé”, buộc người đó vào một tình thế khó xử mà mentor cảm thấy không hề vui khi nói “không” hoặc phải nói “có” một cách bắt buộc.
---
Đã đến lúc bắt đầu tìm kiếm một người cố vấn đúng cách. Trong vấn đề tìm người cố vấn ấy, có 7 bước quan trọng sau mà tôi thấy khá hiệu quả:
1. Tìm một người mà bạn muốn trở thành giống như vậy
Đừng chỉ tìm một người có công việc bạn thích hoặc một vị trí xã hội mà bạn thèm muốn, hoặc chỉ cần giỏi ở bất cứ lĩnh vực nào. Hãy tìm một người giống bạn, một người có điểm mạnh và kỹ năng tương tự mà bạn muốn bắt chước. Nếu không, lời khuyên của họ chẳng khớp với hoàn cảnh của bạn tí nào, bạn sẽ thất vọng vì không nhận được lời khuyên giá trị. Vậy nên hãy dành một chút thời gian để tìm cho mình đúng người.
Nếu bạn muốn làm nhà báo, hãy tìm đến một nhà báo lão luyện.
Nếu muốn làm kiến trúc sư, hãy đi theo một kiến trúc sư đến các công trình…
Họ có xuất phát điểm và nền tàng giáo dục giống bạn lại càng tốt.
Đơn giản vậy đó.
2. Nghiên cứu về họ
Nên theo dõi blog của họ, làm quen với những điều mà họ hay viết, chia sẻ. Nếu do bạn bè hay cha mẹ giới thiệu, hãy dành thời gian tìm hiểu về họ và công việc họ đang làm, để có cái mà nói. Hãy chắc chắn rằng bạn hiểu rõ về điểm mạnh và điểm yếu của người đó, song hãy đặt kỳ vọng của bạn một cách thực tế.
Không thể đến gặp một người cố vấn mà mù tịt về những gì họ đang làm được.
3. Tạo dựng mối quan hệ
Đừng hỏi vô duyên “anh làm cố vấn giúp em nhé” ngay lập tức. Đó là một yêu cầu quá lớn cho buổi gặp mặt đầu tiên. Thay vào đó, hãy để hai bên hiểu nhau, gặp gỡ thân mật, duy trì những buổi gặp mặt. Nếu là người thân mà cha mẹ giới thiệu, thì hãy dành nhiều thời gian đi theo phụ tá để nhận được sự tin cậy, thể hiện mong muốn học hỏi đã.
4. Dành lời khen, cảm ơn
Sau khi mình tư vấn cho các bạn trẻ, một số bạn vâng vâng rất tiếp thu, nhưng không thể hiện thái độ gì hết. Rồi chào ra về. Mình không biết là bạn có thấy lời tư vấn hữu ích không. Cũng không biết bạn học được gì không. Chỉ vâng vâng, cảm ơn rồi về. Thậm chí mình còn phải “nhắc” là “Em thấy buổi tư vấn thế nào, có vấn đề gì không…”
Cũng có những bạn chỉ hé ra một câu “Các chị nói hay quá ạ.” Ít ra như thế cũng đủ để người “dạy” biết được họ đã tư vấn đúng hướng, người nghe tiếp thu.
Nhưng hay nhất sẽ là:
Một cuộc gọi điện, nhắn tin, email cảm ơn
Một kế hoạch hành động “theo lời khuyên của anh chị, em sẽ làm những việc sau đây”
Thường xuyên nhắn tin “báo cáo” tiến độ, và tiếp tục hỏi tư vấn tiếp.
Duy trì mối quan hệ lâu dài
Trả ơn bằng sự tiến bộ của bạn, bằng việc thường xuyên gọi điện, email cảm ơn, nhắc lại sự giúp đỡ của mentor, và giúp đỡ những người khác trong xã hội theo một cách tương tự. (Cái này mình tự tin là mình làm khá tốt, mình vẫn thường xuyên làm dù việc giúp đỡ đã qua hơn chục năm).
5. Để mối quan hệ tiến triển một cách tự nhiên
Đôi khi chúng ta đặt kỳ vọng quá cao vào sự cố vấn. Chúng ta muốn đặt cho nó một cái tên, cho nó một cái danh phận, bởi vì nó cho ta cảm giác về địa vị và tầm quan trọng. Nhưng thực sự đó chỉ là một mối quan hệ mà thôi.
Hãy để việc cố vấn phát triển như bất kỳ mối quan hệ lành mạnh nào khác. Mối quan hệ sẽ bền chặt theo thời gian và dựa trên sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau.
6. Đừng nản lòng từ bỏ
Nhiều người mình quen cũng đã cố vấn cho một số thanh niên trẻ trong nhiều lĩnh vực. Điều họ thấy thất vọng nhất là có rất nhiều bạn trẻ nản lòng hay từ bỏ ngay khi có khó khăn.
Ví dụ: Để đạt được mục tiêu du học, thì mentor gợi ý cuối năm phải có IELTS. Nhưng sang tháng, hỏi đã học Ielts đến đâu rồi thì vẫn “em bận việc này việc kia nên chưa bắt đầu ạ.”
Mentor không phải là giáo viên, không phải là cha mẹ, họ không có trách nhiệm kiểm tra, thúc đẩy, truyền động lực cho bạn. Họ chỉ làm điều quý giá nhất, là dẫn lối cho bạn mà thôi. Việc tìm kiếm động lực, sắp xếp kế hoạch cuộc sống, bắt tay vào làm hoàn toàn nằm ở bạn.
Sau 2 lần hỏi, mà việc học Ielts vẫn chưa bắt đầu, thì bạn hiểu rồi đấy, mentor sẽ không hỏi lại lần 3. Họ đã quá trải nghiệm để biết rằng người này không có khả năng đi đến đích bằng nội lực, cố vấn cho mất công.
7. Cam kết trong quá trình
Có những cố vấn chỉ tính theo giờ, nhưng cũng có những cố vấn cùng bạn đi chặng đường cả chục năm. Bạn sẽ không bao giờ biết, bàn tay đưa ra nắm lấy tay bạn sẽ đưa bạn đi xa đến đâu đâu.
Để có cho mình một người cố vấn thực sự, bạn phải cam kết sẽ gắn bó với mối quan hệ này. Dành thời gian cho nó, để có một kết quả xứng đáng.
Lúc này, bạn sẽ hiểu ý nghĩa của việc trở thành một đệ tử, có một sư phụ dắt tay quý giá đến thế nào.
----
Mai Mai - Family Education Mentor
Founder @LifeMentor.vn